Bình Định Xuất Khẩu Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Kim Ngạch Tăng Khá

Trong 6 tháng đầu năm 2014, vượt qua không ít khó khăn, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giữ được hoạt động sản xuất ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn lớn nhất đối với các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh Bình Định từ đầu năm 2014 đến nay là nguồn tôm nguyên liệu bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh thu mua mạnh với giá cao, tình hình dịch bệnh tôm tiếp tục xảy ra do thời tiết không thuận lợi nên nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trên địa bàn vẫn ở mức khá cao (bình quân trên 10%)…
Trong bối cảnh đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, các DN CBTSXK trên địa bàn đã nỗ lực cơ cấu bộ máy, sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường XK…
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh của nhóm hàng thủy sản ước thực hiện 33 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Điều đáng ghi nhận là KNXK của hầu hết các DN CBTSXK trên địa bàn đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2013: Công ty CP Thủy sản Bình Định (gần 22 triệu USD, 127%); CP Đông lạnh Quy Nhơn (trên 5,4 triệu USD, 156,4%). Công ty CP Thực phẩm XNK Lam Sơn (4,2 triệu USD, 104%); Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn (gần 1,6 triệu USD, 121%)…
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tổng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, quy mô của DN CBTSXK chủ yếu vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ hầu hết là lạc hậu, chưa tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chất lượng nguồn nhân lực trên 3 lĩnh vực: cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và lao động chưa đạt yêu cầu nên năng suất lao động chưa cao.
Đáng lưu ý, hoạt động XK hải sản đông lạnh chủ yếu theo đơn hàng lẻ, số lượng đơn hàng lớn không nhiều. Đồng thời, các DN CBTSXK trên địa bàn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn về nguyên liệu sản xuất, chất lượng nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn XK, giá nguyên liệu nhập khẩu cao.
Trong 6 tháng cuối năm, nhằm hỗ trợ các DN hoạt động XK, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất cho DN; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại…
Đồng thời, Sở sẽ nỗ lực hoàn thành Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu Bình Định giai đoạn đến năm 2020”; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ của Nhật Bản.
Sở Công Thương cũng lưu ý: Thời gian tới, nguồn cung của Thái Lan sẽ giảm, trong khi giá tôm thẻ chân trắng sẽ tăng cao nên các DN trên địa bàn cần đẩy mạnh hoạt động XK mặt hàng này. Sở khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, tăng năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Có thể bạn quan tâm

Hiện đang vào vụ nuôi vịt mùa lũ để tận dụng thức ăn tự nhiên nên khoảng 2 tuần nay, giá vịt con các loại tăng thêm 2.000-4.000đ mỗi con.

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2014-2018” để triển khai mô hình những vùng chăn nuôi “nói không” với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, khoảng 2 ngày nay nhu cầu sử dụng thịt heo trên thị trường tăng nên giá heo hơi các trại trong tỉnh bán ra khoảng 54-56 ngàn đồng/kg, tăng 2 ngàn đồng/kg.

Qua thanh tra có 53 tổ chức, cá nhân vi phạm do không đủ điều kiện kinh doanh, kinh doanh thuốc BVTV vi phạm nhãn mác, thuốc không bảo đảm chất lượng. Đã xử lý phạt tiền 13 trường hợp với số tiền gần 50 triệu đồng.

Thời gian gần đây, xã Trân Châu (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) nuôi một giống dê mới lai giữa dê Bách Thảo và giống dê cỏ của địa phương đạt hiệu quả kinh tế cao.