Biên Sơn (Bắc Giang) Phát Triển Đàn Dê

Nhận thấy ở địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển đàn gia súc, nhất là nuôi dê, đầu năm 2011, anh Nguyễn Trí Thường, thôn Tuấn Sơn, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) quyết định học hỏi kinh nghiệm nuôi dê từ một số mô hình trong, ngoài tỉnh.
Sau khi nắm được kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, anh Thường đầu tư 160 triệu đồng mua 30 con dê giống lai Bách Thảo từ Trại giống Ba Vì (TP Hà Nội) về nuôi.
Sau 3 năm, trừ số dê bán thương phẩm, hiện đàn dê lai của gia đình có hơn 70 con, trong đó hơn 40 con cái sinh sản, 2 con dê bố. Với giá 130 nghìn đồng/kg dê thương phẩm và 200 nghìn đồng/kg dê giống, đàn dê của anh Thường có tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Anh Thường phấn khởi: Nuôi dê không tốn kém lại cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Dê lai Bách Thảo có khả năng sinh trưởng tốt, con trưởng thành nặng tới 70 kg. Thông thường mỗi con dê cái hai năm sinh sản ba lứa, trung bình mỗi lứa hai con.
Tính từ khi dê mới sinh, nếu nuôi thương phẩm chỉ trong 6 tháng đạt từ 30 - 35 kg và được xuất chuồng, trong khi không tốn nhiều công lao động. Để nuôi cả đàn dê hơn 70 con, gia đình anh Thường chỉ bố trí một lao động chăn thả. Chuồng nuôi phải luôn khô ráo, thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Cùng đó, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn dê.
Bên cạnh dê lai Bách Thảo, ở Biên Sơn hiện nay có hàng chục hộ nuôi dê ta (dê cỏ) cho hiệu quả kinh tế khá. Tiêu biểu như gia đình các ông, bà: Trần Đình Quảng, Phùng Thị Sít (thôn Dọc Song), Trần Thế Giảng, Nguyễn Trí Chiến (thôn Tuấn Sơn)… Mỗi hộ thường xuyên nuôi từ 10 - 20 con dê mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng/năm.
Ông Vô Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Biên Sơn khẳng định: Do địa bàn xã chủ yếu là đồi núi và có nhiều cánh đồng cỏ rộng nên Biên Sơn có điều kiện thuận lợi phát triển đàn dê. Hơn nữa, nuôi loại gia súc này không cần vốn đầu tư ban đầu lớn; thị trường tiêu thụ dê thương phẩm ổn định nên nhiều hộ dần tăng quy mô, số lượng đàn.
Theo thống kê của UBND xã, đến thời điểm này, đàn dê của Biên Sơn có 1.570 con, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nuôi dê đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Có thể bạn quan tâm

Chị Trịnh Thị Tùng, người chứng kiến vụ cá chết ở bè anh Dương Văn Thanh cung cấp thông tin cho cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) về vụ việc cá bớp nuôi trên sông Chà Và chết hàng loạt chiều 25-12.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt có nhiều ưu điểm như: Tận dụng được diện tích đất nhỏ, đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã phát triển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua. Một số hộ dân ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) học tập và triển khai mô hình này bước đầu có hiệu quả.

Hiện con cá tra chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, chỉ sau con tôm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành hàng này vẫn đối mặt với tình trạng liên kết chuỗi lỏng lẻo; sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; sản phẩm đơn điệu; thị trường xuất khẩu thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi...

Thời gian gần đây, mô hình ương nuôi cá lóc giống và cá lóc thương phẩm phát triển mạnh nên nông dân thi nhau đào ao nuôi cá. Việc ương nuôi theo phong trào nên khó tránh khỏi khó khăn ở đầu ra….

Nếu như trước đây, huyện Con Cuông (Nghệ An) rộ lên phong trào làm đường giao thông nông thôn thì năm 2013, mũi nhọn được xác định là thực hiện các mô hình kinh tế hộ. Hiện nay, nuôi bò sinh sản ở xã Chi Khê và nuôi vịt bầu Quỳ ở xã Mậu Đức là những mô hình đem lại hiệu quả...