Bí Quyết Trống Mía To, Đẹp Của Ông Tân Ở Hòa Bình

Tuy không phải là “đại gia” về nhiều đất, nhiều mía nhưng thương lái buôn mía ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đều biết đến tiếng ông Lê Thanh Tân ở khu 7. Tiếng của ông không phải đất rộng, nhiều mía mà là lúc nào vườn mía của ông đứng đầu bởi cây mía to, đều, màu đẹp.
Năm 1983, ông Tân vào làm công nhân Nông trường Cao Phong. Ngoài công việc ở nông trường, ông nhận thêm đất, vay vốn trồng mía phát triển kinh tế. Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, ông học hỏi những người xung quanh. Tuy nhiên, ngày đó, cây mía mới trồng ở Cao Phong nên không có nhiều kinh nghiệm. Khi thu hoạch, các thương lái vào vườn hay chê mía “chân hương” (gốc nhỏ, ngọn to) và màu không đẹp. Khắc phục những kỹ thuật đó, ông tìm đọc những tài liệu nông nghiệp về cây mía và thử nghiệm những kỹ thuật, cách chăm bón của mình bằng nhiều hình thức. Sau nhiều năm, ông đã tìm ra kỹ thuật chăm sóc cây mía để có được cây mía đẹp.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn mía, ông Tân tâm sự: nhiều người cứ bảo tôi có bí quyết gì không? Tôi bảo chẳng có gì, quan trọng nhất là phải chăm sóc cho mía làm sao đúng - đủ - kịp thời. Quả thật, đi thăm hết vườn mía của ông dù là mía năm đầu nhưng hiếm gặp cây mía nào bị “chân hương” và bị “mèo cào” (bón nhiều vôi). Cây mía thẳng tắp, dưới chân không còn lá mía lạo xạo. Theo kinh nghiệm của ông, đến thời kỳ sinh trưởng, quan trọng bón phân đúng thời điểm nhất là lúc “la chân” (bóc lá đầu tiên cho mía) và bón sao cho đủ phân để nuôi dưỡng, đồng thời khi phát hiện sâu bệnh phải phun khẩn trương để dập bệnh ngay. Lúc bắt đầu trồng, đào rãnh phơi ải khoảng nửa tháng, lúc đó, đất được nghỉ ngơi phơi nắng chết vi khuẩn có hại cho cây trồng.
Khi Nông trường có chủ trương giao đất cho công nhân, ông nhận hơn 2 ha trồng mía. Cây mía nhiều năm nay theo thăng trầm của thị trường, có năm bán chẳng ai mua. Tuy nhiên, vườn của ông lúc nào cũng bán được tuy không được giá. Ông cho biết: Như năm 1999 và năm 2000, giá mía rớt thảm từ 1000 đồng/cây xuống còn 300 đồng/cây, nhiều nhà không bán được. Nhà tôi bán được nhưng lỗ vài chục triệu đồng. Những năm đó, nhiều hộ gia đình nản bỏ trồng mía nhưng ông vẫn trồng bởi ông nghĩ mía là cây thực phẩm sạch, sau này, thị trường sẽ chấp nhận. Những rủi ro là do thời tiết không ủng hộ. Trong những năm gần đây, cây mía ngày càng được thị trường ưa chuộng, mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ mía trên 200 triệu đồng. Cùng với cam, vụ mía năm nay được giá hơn mọi năm có thương lái vào trả giá trung bình 5.000 đồng/cây nhưng ông vẫn chưa muốn bán. Ngoài trồng mía, ông còn trồng cam và nuôi cá. Ông cho biết: Cây mía là cây ngắn ngày cho thu nhập cao và nó là cây “nuôi ” cây cam. Hiện nay, diện tích trồng mía của tôi đã trồng xen cam. Khi nào hết chu kỳ thu hoạch mía thì cam cho thu hoạch. Như vậy, mình tận dụng được hết đất và không để đất nghỉ ngơi.
Không những làm kinh tế giỏi, ông Tân còn đi đầu tuyên truyền những tiến bộ KHKT vào sản xuất. Ông luôn giúp đỡ, hướng dẫn cách làm mới cho bà con trồng mía ở Cao Phong.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày qua, người trồng hồ tiêu ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), thủ phủ hồ tiêu của cả nước, xôn xao việc thương lái nước ngoài thông qua tiểu thương trên địa bàn lùng mua rễ và gốc cây hồ tiêu. Không rõ việc thu mua này nhằm mục đích gì.../ Nghi án thu mua rễ, gốc tiêu để phá hoại kinh tế?

Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản do ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác đạt 23.200 tấn, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt hơn 22.000 tấn. Sản lượng thủy sản đạt cao là nhờ thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác vụ cá Nam. Do giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên khuyến khích ngư dân trong tỉnh đồng loạt ra khơi bám biển.

Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm, ngành điện lực Trà Vinh đã nâng công suất 165 trạm biến áp trong vùng nuôi tôm lên thêm gần 5900 KVA. Tuy nhiên, giải pháp tình thế vẫn chưa cung cấp đủ điện cho nhu cầu hiện nay.

Đến xã Trung Thành (Vị Xuyên) những ngày này, trên hầu khắp các cánh đồng, màu xanh của lạc Xuân xen những ruộng ngô trở thành hình ảnh đầy ấn tượng. Vụ Xuân năm nay, toàn xã thực hiện gieo cấy 93 ha lúa, 140 ha ngô, 62,3 ha rau, đậu các loại nhưng có đến 227 ha lạc.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản của các địa phương trên địa bàn Hải Phòng đạt gần 15 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013.