Bị Ngâm Nước Mưa, Dưa Nũng Thối Đầy Ruộng

Chưa năm nào người trồng dưa ở Phú Yên điêu đứng như năm nay, đầu vụ dưa rớt giá, cuối vụ gặp mưa to bị ngập úng, dưa nũng thối. Khi thu hoạch, dưa bán không ai mua, làm thức ăn cho gia súc.
Những cơn mưa lớn trái mùa kéo dài mấy ngày qua đã làm ngập úng các vùng trồng dưa trọng điểm ở TP Tuy Hòa và huyện Tuy An. Người trồng dưa chưa hết ngậm ngùi vì giá thấp, nay... lại “khóc” theo mưa. Chị Dương Thị Quỳnh ở xã An Mỹ (Tuy An) trồng 2 sào dưa gang, chỉ mới bán được 700.000 đồng. “Tôi gánh một gánh dưa gang khoảng 40kg đến đường quốc lộ 1 bán cho thương lái được 15.000 đồng.
Số tiền này chỉ đủ cho con bữa ăn sáng” - chị Quỳnh buồn rầu nói. Cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hải cho hay, thời điểm này năm ngoái giá dưa gang 6.000 đồng/kg, còn năm nay chỉ còn 800 đồng/kg. Còn dưa bom, năm ngoái có giá 8.000 đồng/kg, nay chỉ 3.000 đồng/kg. “Mấy hôm nay gặp mưa, dưa gang chỉ còn 500 đồng/kg, nhưng rất khó bán”, bà Hải than vãn.
Dọc quốc lộ 1, hàng tấn dưa của người dân chất đống chờ khách đi đường mua. Ngồi cả ngày mời mọc, nhưng không ai mua, có người bỏ dưa bên vệ đường về nhà.
Nhiều người trồng dưa ở TP Tuy Hòa và huyện Tuy An phải mót từng trái dưa, mong bán được để kiếm lại ít vốn đầu tư, chứ không mong có lãi. Bà Nguyễn Thị Khả ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), rảo quanh ruộng dưa bị nước mưa “ngâm” mấy ngày nay, hái dưa chín và trở những trái dưa còn non cho khỏi nũng thối. “Tôi phải trở những trái dưa non, chứ để nằm một chỗ trên đất ướt thì 2 ngày nữa sẽ thối cả trái.
Ráng làm để gỡ gạc lại ít vốn, vì chỉ tính riêng phân bón và thuốc trừ sâu cho 2 sào dưa, tôi phải bỏ ra 1,5 triệu đồng rồi”, bà Khả nói. Ông Trần Thanh Quận, Phó chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: “Năm nay, nông dân trong xã trồng 10ha dưa. Do thời tiết bất lợi, đầu vụ nắng nóng kéo dài, cuối vụ gặp mưa lớn, khiến người trồng dưa thất thu”.
Theo ông Nguyễn Thanh Trung, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, chỉ tính riêng xã An Mỹ và An Chấn trồng 130ha dưa, năng suất khoảng 40 tấn/ha. Giá dưa thấp, lại bị gặp mưa lớn, khiến nhiều hộ bị lỗ vốn, cuộc sống khó khăn.
Có thể bạn quan tâm

Người dân xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An) ai cũng nể phục nghị lực của ông Nguyễn Hữu Bình (SN 1958). Từ hai bàn tay trắng, ông đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó bằng nghề trồng cam, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương...

Đây là các bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa gây hại cho nhiều nông dân và doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu. Triệu chứng gây hại biểu hiện trên cành và trái giống nhau, những đốm trắng xuất hiện trên cành, bẹ non, trái non và trái chín chuẩn bị thu hoạch.

Được biết, Cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm. Hơn nữa, cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm. Vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển), cuối vụ giá lên đến 50.000 đồng/kg. Bởi vậy, cam Hà Giang trên thị trường không thể giá rẻ như vậy.

Bà Thương cho biết: "Tôi thả 7.000 cá bông giống. Cá rất dễ nuôi, mau lớn, ít bị hao hụt, giá cá thương phẩm luôn ổn định và cao hơn cá lóc. Để cá bông mau lớn thì ao phải rộng, đường thoát nước tốt, thức ăn đầy đủ. Tốt nhất là thức ăn tự nhiên từ nguồn cá linh, cá tạp hoặc cá biển".

Mỗi năm, cứ vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bắt tay vào sên vét ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Thế nhưng, cứ đến mùa sên vét lại xảy ra bao nỗi lo về kiểm soát dịch bệnh, bởi lịch sên vét ao đầm vẫn chưa được thống nhất, quá nhiều bất cập, khiến vấn đề này cứ mãi luẩn quẩn chưa có lối ra.