Bệnh Lạ Bùng Phát Trên Cây Tiêu Ở Đắk Ơ (Bình Phước)

Tiêu đang xanh tốt, tự nhiên vàng lá rũ xuống rồi chết hàng loạt, khiến hàng trăm hộ trồng tiêu ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập - Bình Phước) đứng ngồi không yên. Bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư nay đứng nhìn cây tiêu chết dần vì bệnh lạ.
Bệnh lạ tràn lan
Gần đây, ở xã Đắk Ơ những vườn tiêu xanh tốt đã ngả màu vàng, nhiều cây chết trụi trơ lại nọc. Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn ĐắK Min cho biết, vườn tiêu của ông mới trồng được hơn một năm, thời gian đầu cây phát triển rất nhanh. Cách đây hơn nửa tháng, gần 200 trong tổng số 500 nọc tiêu của gia đình ông lá chuyển từ màu xanh qua màu vàng và lan rất nhanh sang những cây bên cạnh.
Ông Minh đã sử dụng nhiều loại thuốc để trị bệnh cho tiêu vẫn không hiệu quả. “Cả gia đình đang ngồi trên đống lửa, lục tìm hết tài liệu, hỏi khắp nơi nhưng không ai biết cây bệnh gì và cây tiêu cứ chết lan ra cả vườn. Hiện tôi đang mua thuốc xử lý những cây vàng lá với hy vọng mong manh. Nếu không cứu được, phải cắt bỏ hết những dây tiêu bị bệnh để tránh lây sang cây khác.
Khu vườn hơn 1.000 trụ tiêu của anh Điểu Nhớ ở thôn 4 đang xơ xác. Hơn một nửa diện tích đã chết trụi. Trụ được anh nhổ lên chất đống, chờ mưa xuống để trồng lại. Theo anh Nhớ, tiêu phát bệnh từ cuối tháng 11-2013 và đến nay có hơn 500 nọc đã chết, số còn lại chỉ sống lay lắt.
Để đảm bảo an toàn cho những nọc tiêu khác, anh buộc phải nhổ sạch những cây bị bệnh, đem phơi khô rồi đốt bỏ để tránh lây lan. “Năm ngoái vì điều rớt giá nên tôi chuyển một phần sang trồng tiêu. Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra coi như mất trắng” - anh Nhớ thở dài.
Theo ông Điểu Nép, Trưởng thôn 4, chỉ riêng thôn 4 hiện có trên 30 hộ tiêu chết hàng loạt. Người ít vài trăm nọc, người nhiều cả ngàn nọc. Người dân ở đây đang rất hoang mang.
Chưa có thuốc đặc trị
Anh Nguyễn Văn Bình ở thôn 4 cho biết, khi cây tiêu hơn một năm tuổi, cắt được dây thì bỗng nhiên bị vàng lá rồi chết. Một số cây vàng lá rồi chết dần, một số cây có hiện tượng khô ngoài và bị thối phần ruột không rõ nguyên nhân. “Hơn 1.500 nọc tiêu, tôi đã chi gần 20 triệu đồng tiền thuốc về phun xịt nhưng vẫn không hiệu quả.
Đặc biệt, thời gian này tiêu chỉ phát bệnh ở những vườn cây từ 3 năm tuổi trở xuống. Chúng tôi đặt vấn đề với Hội khuyến nông xã để có sự giúp đỡ nhưng họ cũng chưa có biện pháp hữu hiệu” - anh Bình cho biết.
Anh Bế Văn Tiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ cho biết: Sau tết Nguyên đán, nhiều hộ dân trong xã báo tin tiêu chết hàng loạt, tập trung ở vườn tiêu từ 3 năm tuổi trở xuống. Đến nay, toàn xã ghi nhận trên 50 hộ có tiêu chết. Số bắt đầu phát bệnh thì rất nhiều.
Theo anh Tiêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cây tiêu chết hàng loạt nhưng chủ yếu do người dân chọn giống tiêu bị thoái hóa, không có khả năng kháng bệnh, nên gặp thời tiết thất thường cây dễ bị bệnh và khi bị bệnh rất khó chữa. Chúng tôi đã báo lên Phòng nông nghiệp huyện để tìm rõ nguyên nhân và có phương pháp xử lý cứu cây tiêu giúp người dân xã Đắk Ơ.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm hỗ trợ 50% chi phí giống cho hộ tham gia mô hình. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia làm đệm lót và hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo dưỡng đệm lót theo đúng quy định.

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Ngãi đã thực hiện mô hình nuôi ghép tôm với cá dìa trong ao đất tại xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh.

Hiệu quả kinh tế từ nuôi ong lấy mật mang lại đã khiến nhiều hộ gia đình xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) nỗ lực phát triển đàn ong để nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng thương hiệu mật ong miền tây Quảng Bình.

Sau khi bất ngờ phát hiện virus cúm A/H5N6 nguy hiểm trên gia cầm lậu tại Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Lào Cai và đàn chim hoang, mới đây Bộ NN-PTNT cho biết, dịch cúm H5N6 đã xuất hiện ở các tỉnh Nam Trung bộ. Nỗi lo xâm nhập virus cúm A/H5N6 từ gà vịt lậu đang đe dọa đàn gia cầm nuôi trong nước vào những tháng cuối năm.

Mô hình thành công sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng của tỉnh, đồng thời, đây sẽ là một trong những cây trồng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi một số diện tích đất lúa, màu... kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh an toàn có giá trị kinh tế cao hơn, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, phát triển sản xuất theo hướng an toàn và bền vững.