Bệnh Chổi Rồng Hoành Hành Ở Vĩnh Long Đốn Cây Nhãn Làm Củi

Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có trên 7.730ha trong tổng số 9.330ha vườn trồng nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, trong đó vườn bị bệnh nặng (tỷ lệ nhiễm trên 70%) là gần 3.000ha. Nhiều nhà vườn đành phải ngậm ngùi đốn bỏ vườn nhãn...
Huyện có diện tích nhãn bị đốn bỏ nhiều nhất là Long Hồ (792ha), kế đến là Vũng Liêm (158ha) và TP.Vĩnh Long (trên 148ha).
Không thể cứu chữa
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN những ngày này, chạy dài cặp theo các tuyến đường của các xã cù lao Long Hồ như: Bình Hòa Phước, Đồng Phú, An Bình và Hòa Ninh… nhà nhà, người người đua nhau chặt đốn nhãn bệnh để bán củi.
Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Đông Bình, huyện Long Hồ chua chát nói: “Do bệnh chổi rồng không có thuốc đặc trị, cho nên càng để lâu dịch lây lan càng rộng. Buộc lòng gia đình phải thuê thợ cưa đốn bỏ hàng trăm gốc nhãn da bò trên 10 năm tuổi. Nhìn củi nhãn chất thành đống mà thấy xót xa”.
“Nhãn nhiễm bệnh thất thu đốn bỏ đã đành, nay củi nhãn muốn bán cũng bị ép giá. Trước đó, củi nhãn có giá dao động trên dưới khoảng 550.000 đồng/m3, nay chỉ còn 450.000 đồng/m3 và hiện đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Trước tình dịch bệnh, hiện bà con nhà vườn hết sức hoang mang không biết tái cơ cấu trồng giống cây gì mang lại hiệu quả kinh tế ổn định” – anh Năm Tường ở huyện Long Hồ ngậm ngùi nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, năm 2012 trước tình hình dịch bệnh chổi rồng hoành hành dữ dội, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố dịch trên cây nhãn, đồng thời ra quân triển khai chiến dịch dập dịch với nguồn kinh phí hỗ trợ từ T.Ư và địa phương với số tiền lên đến 55 tỷ đồng nhưng kết quả dập dịch không như mong đợi. Sau hơn 1 năm dập dịch, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng chẳng những không hết dịch mà dịch bệnh hiện đang có chiều hướng xấu, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con nhà vườn.
Khuyến cáo chuyển đổi cây trồng
Qua nghiên cứu của các nhà chuyên môn, tác nhân chính làm cho bệnh chổi rồng phát sinh và phát triển mạnh trên cây nhãn là do một loài vi khuẩn sống ký sinh trên cây, chúng lây truyền bệnh chủ yếu qua vết thương của côn trùng chích hút. Đối tượng nhện lông nhung được khẳng định có liên quan rất mật thiết với dịch bệnh này.
Theo các nhà khoa học, để phòng ngừa nhện lông nhung đạt hiệu quả tốt thì vào các thời điểm cây nhãn ra chồi non và ra hoa, nên phun thuốc trừ nhện vì nhện lông nhung thường chỉ tập trung ở những bộ phận này.
Bệnh chổi rồng trên cây nhãn gây hại chủ yếu là phần non của lá, chồi non và chồi hoa; từ đó làm cho các bộ phận này không phát triển, mà biến dạng thành chùm, xoắn tít, teo tóp nhỏ đi, không lớn lên được và co cụm lại như bó chổi. Các phân đoạn trên cành, lá, phát hoa đều ngắn, cánh hoa không bung ra mà bị nhỏ lại, và chúng có xu hướng lây lan nhanh khắp vườn. Khi cây bị bệnh chổi rồng nặng, chồi hoa bị nhiễm bệnh sẽ không phát triển và khả năng đậu trái rất thấp.
Ông Phan Nhựt Ái – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trước tình hình trên, Sở đang làm báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh. Theo hướng đề xuất của Sở, đối với nhóm cây bệnh nhẹ có khả năng phục hồi, đề nghị nhà vườn điều trị theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Riêng đối với nhóm cây nhiễm bệnh nặng, chúng tôi khuyến cáo đề nghị bà con mạnh dạn đốn bỏ chuyển sang trồng chôm chôm, bưởi Năm Roi và một số cây trồng khác…”.
Có thể bạn quan tâm

Những hộ sản xuất - kinh doanh cao su giống trong tỉnh Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở huyện Chơn Thành - vựa giống lớn ở Bình Phước. Nhiều hộ phải bỏ nghề hoặc chuyển sang làm cây giống khác. Song vẫn còn nhiều người bám nghề để chờ thời.

Xã Tân Thịnh (Nam Trực - Nam Định) có 697ha đất canh tác; trong đó HTXDVNN Nam Thịnh được giao quản lý 275ha. Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), năm 2011, xã Tân Thịnh là một trong 3 đơn vị được huyện Nam Trực chọn làm điểm xây dựng CĐML với diện tích ban đầu 30ha. Đến nay, qua 3 năm triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả và mở rộng ra toàn xã với tổng diện tích 125ha.

Thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Sa Pa (Lào Cai), tổng sản lượng rau, quả các loại của toàn huyện từ đầu năm đến nay đạt 12.325 tấn. Trong đó, chủ yếu là su su 4.200 tấn, bắp cải 850 tấn và sản lượng đậu đỗ, một số loại rau địa phương, như cải xoong, cải ngồng, rau gia vị.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả cao, ngày 16/9, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai nhân rộng cánh đồng mẫu lớn tại ấp 6, xã An Xuyên. Ðây là cánh đồng mẫu lớn thứ 3 được thực hiện trên địa bàn thành phố.

Dưa lưới là loại rau ăn quả quan trọng trong họ bầu bí, được trồng nhiều ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ, Tây Ban Nha… với sản lượng hàng năm trên toàn thế giới khoảng 18 triệu tấn. Hiện nay, trên thế giới đã nghiên cứu, lai tạo ra được nhiều giống dưa lưới. Tại Việt Nam, do điều kiện đất đai, khí hậu, đặc điểm thực vật học nên dưa trồng được chủ yếu ở miền Nam và hiện trồng phổ biến ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…