Báu Vật Của Nhiều Gia Đình Dân Tộc Thiểu Số Ở Bắc Cạn

Hươu dễ nuôi, không mất tiền đầu tư chăm sóc như những gia súc khác. Mỗi năm hươu cho cắt nhung (sừng non) hai lần và bán với giá cao cho nên được coi là “báu vật” của nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Cạn.
Anh Nông Kỳ Anh ở thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông chia sẻ: “Năm 1993 bố tôi lặn lội vào tận Nghệ An mua hai con hươu giá gần trăm triệu về nuôi, sau đó phát triển lên bốn, năm mươi con. Chúng tôi lớn lên, lập gia đình riêng, bố tôi cho mỗi anh em mấy con “làm vốn” phát triển kinh tế”.
Hươu đã và đang là nghề nuôi mang lại thu nhập cao ở Bắc Cạn, hươu đực mỗi năm cho cắt nhung hai lần, mỗi lần bình quân được khoảng 0,5 kg, bán được khoảng mười triệu đồng. Mỗi con, một năm cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng, gấp nhiều lần so với những vật nuôi khác.
Vừa qua, chúng tôi đến đúng lúc gia đình anh Anh cắt nhung hươu bán cho khách hàng. Dường như mỗi khi cắt nhung, gia đình anh Anh như có “việc lớn”, phải nhờ năm - sáu thanh niên vào chuồng hươu cắt nhung bán trực tiếp cho khách hàng đến mua.
Sau khi thui, cạo sạch, đôi nhung hươu được thái từng lát mỏng ngâm vào bình với mật ong, mặc dù phải trả mười triệu đồng, nhưng người khách hàng từ thị xã Bắc Cạn đến mua vẫn tỏ ra tâm đắc, ôm khư khư bình nhung hươu sợ tuột tay rơi vỡ. Ông cho biết, phải đặt trước hơn một tháng mà nay mới mua được nhung hươu về cho bố bồi bổ.
Nhà nuôi gần mười con hươu nhưng gia đình anh Anh vẫn nhàn tênh, tranh thủ buổi trưa hoặc chiều muộn ra vườn cắt ôm cỏ voi, lá xoan, lá rừng... về cho hươu ăn. Chuồng nuôi đơn giản, nền lát xi-măng, chia làm nhiều ô, mỗi ô chừng 10m2, bốn góc dựng bốn cột gỗ, hoặc cột xi-măng, chung quanh lấy cây rừng buộc lại là thành chuồng nuôi.
Anh Nông Kỳ Anh chia sẻ: “Mỗi con hươu giống hiện nay có giá khoảng 25 triệu đồng. Hươu ít khi phải tiêm phòng bệnh, tuổi đời khoảng 25 năm. Hươu già không mọc nhung nữa thì thịt bán cho các nhà hàng với giá 500- 600 nghìn đồng/kg, xương hươu để nấu cao. Ba con được một nồi cao, nấu được khoảng hai kg, mỗi kg bán 20 triệu đồng”.
Nhờ nuôi hươu, từ hai bàn tay trắng, anh Anh đã làm được ngôi nhà khang trang, mua sắm đồ dùng sinh hoạt đàng hoàng, nuôi con ăn học - là ước mơ với nhiều gia đình nông thôn Bắc Cạn hiện nay.
Hươu rất ít khi mắc dịch bệnh, nuôi không vất vả, không phải đầu tư mua thức ăn, mỗi con cho cắt nhung từ 15- 20 năm nên bốn anh em anh Anh hiện nay đều nuôi hươu, người ít có bảy - tám con, người nhiều có hơn 20 con…
Bắc Cạn nhiều rừng núi, sẵn thức ăn cho hươu, nhưng ngoài bốn gia đình anh Anh thì trên địa bàn tỉnh chỉ có thêm một số hộ đang nuôi. Việc nhân rộng đàn hươu trên địa bàn hiện còn nhiều khó khăn, vì vốn đầu tư ban đầu khoảng 25 triệu đồng để mua một con hươu giống là vấn đề lớn với hầu hết các gia đình ở nông thôn trong tỉnh và ai có tiền cũng không có hươu giống để mua.
Có thể bạn quan tâm

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5, những đợt nắng nóng liên tiếp kéo dài, trong nhiều ngày không mưa đã khiến cho mực nước ở các sông, suối, hồ… ở Thanh Hóa sụt giảm nghiêm trọng.

Mô hình đang được thực hiện với 50ha gieo cấy giống lúa Nàng Xuân và 1,5ha gieo cấy giống lúa nếp Lang Liêu tại 2 xã Tư Mại và Thắng Cương. Qua tham quan đầu bờ, các đại biểu đánh giá cao những ưu điểm vượt trội của 2 giống lúa này so với giống đối chứng Khang dân 18 như thời gian sinh trưởng tương đương với Khang dân, khả năng kháng bệnh khá, chống đổ tốt và hiệu quả kinh tế cao

Xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc - Hòa Bình) cách thị trấn Đà Bắc gần 10 km nằm chênh vênh trên lòng hồ. Xóm có 76 hộ, chủ yếu là người Dao sinh sống dựa vào trồng ngô, sắn, trồng rừng và đánh bắt thủy sản. Ngoài những nghề trên, việc phát triển chăn nuôi được bà con chú trọng bởi lợi thế gần rừng có nhiều nguồn thức ăn. Hầu hết các hộ trong xóm đều chăn nuôi từ 1 - 2 con đến hàng chục con lợn. Giống chủ yếu là lợn lai, lợn địa phương với hình thức bán chăn thả. Nhận thấy lợi thế, thời gian qua, Dự án AFAP đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn rừng và lợn địa phương. Dự án đã đầu tư cho xóm 11 con lợn giống (9 con lợn địa phương và 2 con lợn rừng) cho 9 hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm.

Do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12.000 ha lúa thiếu nước. Ngành NN- PTNT đang chỉ đạo các Cty thủy nông thực hiện việc bơm nước liên tục để cứu lúa.

Đi khắp vùng bãi dọc sông Lam huyện Hưng Nguyên, vùng đồi núi của Nam Đàn, hay những diện tích lạc vùng đất cát pha Nghi Lộc, tất cả là một màu vàng trắng do cháy của ngô, màu xanh héo rũ xơ xác của lạc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ cây màu vụ xuân của tỉnh Nghệ An đối mặt với hạn hán khốc liệt và thiệt hại nặng nề đến thế.