Bàu Bàng (Bình Dương) tìm đầu ra cho ổi lê Đài Loan

Qua hơn 2 năm thực hiện dự án, diện tích trồng ổi tăng từ 5,3 ha lên 12 ha hiện nay, bước đầu đã đem lại hiệu quả, tạo thêm thu nhập cho các hộ tham gia dự án.
Ông Lê Hoàng Châu ở ấp 4, xã Trừ Văn Thố - hộ tham gia dự án cho biết, trong tổng diện tích hơn 10 ha trang trại của gia đình có 2 ha trồng ổi lê Đài Loan. Với sự giúp đỡ về kỹ thuật của TTƯDTBKH&CN, hiện nay năng suất vườn ổi của gia đình đạt hơn 40 tấn/ha, lúc mới triển khai chỉ đạt 4 tấn/ha. Đây là giống ổi có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian thu hoạch nhanh (từ 3,5 - 4 tháng) và cho ra trái quanh năm nên cho thu nhập thường xuyên.
Tuy vậy, tìm hiểu thực tế được biết, do đây là giống ổi mới nên thị trường tiêu thụ chưa nhiều, chủ yếu bán ở các chợ, ở lề đường, trước các nhà máy tại địa phương để bán cho công nhân lao động. Chỉ có một số hộ trồng ổi này tìm được thị trường tiêu thụ ở siêu thị nhưng mới dừng lại ở việc chào hàng, bán thử với số lượng không nhiều.
Theo ông Châu, giống ổi này mới nên tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn do thị trường đầu ra chưa có, nhiều người tiêu dùng chưa biết đến loại ổi này. Bên cạnh đó, ổi từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có giá bán thấp hơn nên nhiều người thích mua hơn. Thực tế, tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội “Bình Dương - 40 năm xây dựng và phát triển” vừa qua, ông có 2 đầu mối thu mua ổi lê Đài Loan qua giới thiệu của Sở KH&CN nhưng chỉ dừng ở việc bán thử, trưng bày với số lượng 50 - 150kg.
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trồng trọt, ông Châu cho rằng thổ nhưỡng khu vực xã Trừ Văn Thố rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, quýt đường, chôm chôm...; riêng cây ổi lê Đài Loan cho trái lớn, độ dòn đều và ngọt thanh. Để phát triển cây ổi lê Đài Loan trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu ổi Trừ Văn Thố như măng cụt Lái Thiêu, bưởi Bạch Đằng thì sản phẩm ổi lê Đài Loan tại địa phương mới phát triển được, qua đó thị trường sẽ chấp nhận và tiêu thụ sản phẩm.
Còn các hộ trồng ổi lê Đài Loan khác ở xã Trừ Văn Thố cho rằng, hiện nay nông dân tiếp thu khoa học - kỹ thuật rất nhanh nên rất mong Sở KH&CN tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật, còn máy móc, thiết bị thì người dân đầu tư được. Qua đó, không chỉ xây dựng được thương hiệu ổi lê Đài Loan của địa phương mà các sản phẩm từ ổi lê sẽ mang thương hiệu của Bình Dương với chất lượng không thua kém các sản phẩm nhập khẩu.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, ổi lê Đài Loan có hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo, dùng để lấy ngắn nuôi dài trong khi chờ thu hoạch từ các loại cây dài ngày khác. Ông Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc phụ trách TTƯDTBKH&CN cho biết, để hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án, trung tâm đang tiến hành hỗ trợ các thủ tục pháp lý để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho ổi lê Đài Loan Trừ Văn Thố. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đang nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ tiên tiến hỗ trợ sản xuất các sản phẩm từ ổi.
Để khắc phục tình trạng được mùa mất giá, các hộ thuộc Tổ hợp tác ổi lê Đài Loan xã Trừ Văn Thố đã thử nghiệm sản xuất các sản phẩm từ trái ổi như nước ép ổi, rượu ổi, mứt ổi...; trong đó nước ép ổi được một số người tiêu dùng dùng thử đánh giá cao, chất lượng hơn nước ổi ép nhập khẩu từ Đài Loan. Tuy nhiên, do làm theo phương pháp thủ công nên chất lượng chưa cao, mùi ổi chín vẫn còn nặng, chưa đạt yêu cầu so với nước ổi nhập khẩu. Tổ hợp tác cũng đã kiến nghị Sở KH&CN hỗ trợ về kỹ thuật, giới thiệu thiết bị, máy móc sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổng kết vụ tôm nước lợ năm 2013 các tỉnh thành phía Nam. Trên cơ bản, các chỉ tiêu xuất khẩu đạt và vượt kế hoạch, dự báo về đích ngoạn mục.

Đến xã Đức Phú (Tánh Linh - Bình Thuận) thời điểm này, nhìn ra cánh đồng lúa vừa thu hoạch, dưới những gốc rạ lởm chởm còn sót lại, nông dân đang tất bật xuống giống vụ bắp (ngô) lai đông xuân, người thì thọc lỗ, người thì bỏ hạt. Vài năm gần đây, nhờ luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ bắp nên đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.

Phong trào trồng cây đặc sản, mới lạ như chuối tiêu hồng, hồng xiêm lai xoài, mít Thái Lan, mít Nghệ An phát triển khá mạnh ở xã Đông Dương (Đông Hưng - Thái Bình) trong mấy năm gần đây. Đến nay, nhiều loại cây đã cho thu hoạch, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Chuối tiêu hồng là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Đông Dương hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11 sản lượng khai thác hải sản ước đạt 14.710 tấn. Lũy kế 11 tháng, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt hơn 173.131 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.

Vượt đoạn đường đất đá lởm chởm dài gần 20km từ trung tâm xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn - Yên Bái), chúng tôi đến thôn 1 Khe Nhao, nơi sinh sống của 54 hộ người Mông. Từng là thôn khó khăn nhất xã, nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây ấm no hơn nhờ trồng ngô.