Bát Xát (Lào Cai) Có Nguồn Thu Khá Từ Cây Dược Liệu

Huyện Bát Xát (Lào Cai) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Đó là điều kiện khí hậu nhiệt đới và bán ôn đới với độ ẩm cao, diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh chiếm 80% tổng diện tích rừng toàn huyện với thảm thực vật đa dạng, phong phú…
Năm 2013, ông Lý A Hù, thôn Tả Pa Cheo 2, xã Pa Cheo là hộ tiên phong trồng cây đương quy theo hỗ trợ của Dự án phát triển cây dược liệu của huyện. Với 0,5 ha đất trồng màu, ông Hù chuyển sang trồng đương quy, thu về gần 5 triệu đồng, cao hơn 3 lần trồng ngô.
Ông Hù phấn khởi: “Cây đương quy dễ trồng, không tốn công chăm sóc, năm nay gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích lên gấp đôi”.
Kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn, huyện Bát Xát hiện có khoảng hơn 1.000 loài dược liệu, trong đó có 357 loài được sử dụng làm thuốc như: Cẩu tích, song dực Trung Hoa, đẳng sâm, ngũ gia bì gai, chân chim Sa Pa, nhân trần, nghệ đen, bảy lá một hoa, sói rừng, thiên niên kiện...
Những cây thuốc này có trong danh mục các bài thuốc y học cổ truyền đang được sử dụng rộng rãi trên thị trường và ngành đông y. Các mô hình trồng cây dược liệu đang cho tín hiệu tích cực như: Cây sa nhân tím mang lại nguồn thu 120 triệu đồng/ha, cây đương quy gần 200 triệu đồng/ha, cây gừng 90 triệu đồng/ha, chè dây 75 triệu đồng/ha…
Đến nay, toàn huyện đã có trên 180 ha cây dược liệu, trong đó, diện tích sa nhân chiếm 93 ha, đương quy 29 ha, còn lại là các loại cây khác như xuyên khung, đỗ trọng, bạch truật, chè dây…
Một số loài dược liệu quý có thể phát triển trồng thành vùng chuyên canh hoặc xen dưới tán rừng tự nhiên, mà không ảnh hưởng đất canh tác của các cây trồng khác.
Điển hình là sa nhân tím, cây thuốc rất quý và đang là mặt hàng xuất khẩu. Sa nhân tím được người dân xã Phìn Ngan đưa về trồng dưới tán rừng tự nhiên và vườn nhà, có giá trị làm thuốc chữa nhiều bệnh về đường ruột và dùng để chiết xuất tinh dầu, làm hương liệu, gia vị thực phẩm.
Cây bảy lá một hoa có tác dụng giải độc, trị rắn cắn hoặc chữa mụn nhọt. Cách dùng rất đơn giản là giã nát thân, rễ của cây này, cho thêm dấm thanh rồi đắp vào vết thương. Thân và rễ cây bảy lá sắc uống còn chữa được bệnh động kinh, viêm phổi và viêm họng.
Tuy nhiên, những loài dược liệu nói trên đã và đang bị người dân khai thác một cách triệt để theo hình thức khai thác cả rễ, củ, cây con, nên có nguy cơ tuyệt chủng nếu không kịp thời có biện pháp bảo tồn.
Ông Vũ Xuân Dung, Phó Bí thư huyện ủy Bát Xát cho biết: Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo dự án “Phát triển và bảo tồn cây dược liệu trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 - 2015 và tầm nhìn 2020” với mục tiêu bảo tồn các nguồn gen quý.
Trong đó có việc dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh kết hợp với việc tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý. Huyện Bát Xát phấn đấu đến năm 2015 trồng mới 270 ha cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Phát GREE Lào Cai, đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm dược liệu tại huyện Bát Xát cho biết: Trong những năm gần đây, Công ty luôn đồng hành với bà con và sẽ tiếp tục duy trì tốt kế hoạch này. Ngoài việc nhận bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp còn hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản dược liệu sau thu hoạch nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp tại huyện Bát Xát đã mở ra, việc trồng và chế biến dược liệu đang tạo ra các sản phẩm đặc trưng và phát huy được thế mạnh của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Chi cục Thú y vừa cho biết, có 4 ao nuôi cá mú của hai hộ thuộc Hợp tác xã Diêm Hải xã Thạch Bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bị chết, nguyên nhân được xác định là do bệnh virus gây hoại tử thần kinh (Viral Betanodavirus Nervous Necrosis Viral). Ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Rau không trồng trên đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, được tưới bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm đạt tiêu chuẩn. Đó là mô hình trồng rau ăn lá theo phương pháp thủy canh hồi lưu của gia đình anh Hoàng Phú Hội ở thôn Bình Điền, xã Bình Sơn (Bù Gia Mập - Bình Phước). Tuy sản phẩm được đánh giá cao nhưng vẫn còn không ít băn khoăn của người trong nghề - đây có phải là hướng đi mới cho việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap?

Khác với những loại gà phổ thông, trên thị trường cao cấp ở phía Bắc hiện nay có hai giống gà thịt rất đắt là gà Hồ (Bắc Ninh) và Đông Tảo (Hưng Yên). Gà Hồ khả năng sinh sản kém, tốc tăng trưởng chậm (nuôi 1 - 1,5 năm khi nặng tới 4 - 5 kg giết mổ mới đạt tiêu chuẩn), giá bán mỗi kg 300.000 - 400.000đ mà cũng phải đặt trước cả tháng.

Đơn vị chủ trì thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre) vừa tổ chức hội thảo sơ kết đề tài “Nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng thí nghiệm nấm cao cấp kim châm, ngọc châm trên cơ chất bã mía và bã mía phối trộn”.

Trung tuần tháng 4-2013, chúng tôi có mặt tại vùng bãi bồi ven biển huyện Nga Sơn, anh Trần Văn Đạo, xóm 5, xã Nga Liên (chủ đồng ngao 30 ha) và nhiều nông dân nuôi ngao trong vùng, cho biết: hiện nay đang vào mùa thu hoạch ngao thương phẩm, thời điểm này các năm trước giá ngao đạt từ 23 đến 25.000 đồng/1 kg, nay giảm xuống còn 11.000 đồng/1kg (tại bãi).