Bắp, Đậu Nành Sản Xuất Trong Nước Giảm, Nhập Khẩu Tăng Mạnh

Năm 2014, lượng đậu nành (đậu tương), bắp (ngô) nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhập nguyên liệu để dự trữ cho hoạt động sản xuất trong năm 2015.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả năm 2014 Việt Nam đã nhập hơn 4,6 triệu tấn bắp, giá trị 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp 2,11 lần về lượng và gần 1,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Ba thị trường cung cấp chính là Brazil với hơn 55%, tiếp đến là Ấn Độ là gần 15% và Argentina là hơn 8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả năm.
Riêng mặt hàng đậu nành có lượng nhập khẩu 1,56 triệu tấn, giá trị 913 triệu đô la Mỹ, tăng 20,5% về lượng và gần 12% về giá trị so với cùng kỳ.
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, năm nào cũng vậy, khi giá những mặt hàng như bắp, đậu nành giảm xuống thấp, các doanh nghiệp sẽ nhập số lượng lớn để trữ lại cho những tháng sản xuất tiếp theo.
Ông Bình cho biết, khoảng giữa năm 2014, giá bắp trên thị trường có lúc xuống mức 200 đô la Mỹ/tấn, thấp nhất trong nhiều năm, vì thế nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ký hợp đồng mua với số lượng lớn. Nhưng sau đó, khi giá bắp trên thị trường tăng trở lại, bên bán đã tìm cách "xù hợp đồng" vì nếu giao hàng sẽ bị thua lỗ.
"Để tránh bị phía các nhà xuất khẩu không giao hàng nên hiện nay nhiều doanh nghiệp cho cách mua ngắn hạn, tức là mua hàng vào tháng trước nhận hàng vào tháng sau thay vì mua giao xa như trước", ông Bình nói.
Thống kê của Bộ NN &PTNT cho thấy, năm 2014, diện tích gieo trồng đậu nành trên cả nước đạt 111.200 héc ta, giảm 6.000 héc ta; năng suất bình quân đạt 14,3 tạ/héc ta, giảm 0,1 tạ/héc ta, do đó sản lượng ước đạt 160 ngàn tấn, giảm 4,5% so với năm 2013.
Diện tích trồng bắp tuy tăng lên nhưng năng suất lại giảm. Cụ thể, trong năm 2014, tổng diện tích trồng bắp của cả nước là 1.189.000 héc ta, tăng 8.500 héc ta, năng suất trung bình đạt 44 tạ/héc ta, giảm 0,8% so với năm 2013.
Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, lâu nay sản lượng bắp và đậu nành trong nước đã không đáp ứng được nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nay thì sản lượng lại giảm trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng nên nguồn cung nguyên liệu trong nước càng thiếu hụt phải nhập khẩu nhiều để bù lại.
Theo Tổng cục Thống kê, tính thời điểm 1-10-2014 tổng đàn bò của cả nước là 5,24 triệu con, tăng 1,5%, đàn heo là 26,8 triệu con tăng gần 2%, còn đàn gia cầm là 327,7 triệu con, tăng gần 3,2% so với năm 2013. Đối với thủy sản nuôi gồm cá tra, tôm (sú và thẻ chân trắng, hải sản…) là gần 3,4 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên diện rộng đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm, khiến tỷ lệ hộ nuôi tôm thành công ít dần. Trước thực trạng đó, những mô hình nuôi tôm thành công theo hướng an toàn sinh học rất đáng được quan tâm, đúc kết, để tìm ra quy trình nuôi mang lại hiệu quả bền vững.

Đặc biệt, sau khi hình thành lòng hồ thủy điện Sơn La, nuôi cá lồng bè được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo để khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá tầm trên khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La và thu được kết quả tốt, tạo sản phẩm đa và nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi. Theo các nhà khoa học, cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn.

Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào kết quả XK của mặt hàng tôm, với giá trị XK cao nhất từ trước tới nay, đạt khoảng 4,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2013. Trong đó, phần lớn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến XK chủ yếu được nuôi tại các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Ngoài đầu tư về kinh phí, Chi cục đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm ở những vùng đã nuôi cá lồng; hướng dẫn nông dân cách làm lồng cá, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh trưởng, kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh phù hợp; kiểm tra lồng thường xuyên, vệ sinh lồng định kì...