Bấp Bênh Sò Huyết?

Thất bại vụ sò huyết năm 2011-2012, hầu hết bà con nuôi sò trong toàn tỉnh Bến Tre đã nói không với loại hải sản này. Dù rằng con sò trước kia đã từng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho rất nhiều nông dân!
Lo ngại sau vụ sò chết
Anh Nguyễn Văn Bồng (40 tuổi, xã Thạnh Hải, Thạnh Phú) cho biết: Năm 2011, anh đầu tư đầm sò huyết giống Thái Lan, hơn 210 triệu đồng, nuôi sò vỗ béo khoảng 1 năm sau thì thu hoạch. Trên diện tích bãi chiều ngang 3m chiều dài gần 200m, tiền kobe tạo bãi là hơn 50 triệu đồng. Khoảng 4 tháng đầu, sò phát triển rất tốt, nhưng đến giai đoạn chừng 300 con/kg thì chai cứng không chịu lớn, và chết từ từ. Trong khi sò huyết phải từ 100 con/kg mới có lời. Tưởng đâu do môi trường nên anh Bồng đã bỏ thêm tiền và công sức ra để dời sò sang vị trí khác nhưng dời đến 3 lần vẫn cứ ở tình trạng đó.
Trường hợp của ông Trần Văn Kiệt 54 tuổi, xã Thạnh Phong mới đáng chia sẻ. Trước kia, ông nghèo khó, sau đó kinh doanh sò con mà khá lên rất nhanh. Cũng trong vụ sò 2012-2013 này, ông mua từ Bình Đại 400kg sò cám, giá gần 20 triệu/kg, giống sò Thái Lan và Trung Quốc để bán cho người dân trong vùng. Nhưng người dân ở huyện Thạnh Phú không dám nuôi sò nữa và số lượng sò giống 400kg không thể trả lại nên ông đã tán gia bại sản. Hiện ông cùng gia đình đi bán nhang rong ruổi khắp các huyện trong tỉnh để sống qua ngày…!
Vẫn chưa tìm được nguyên nhân sò chết
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2012 giá sò là quá thấp, tình trạng bán sò cho thương lái “lạ” cũng đã góp phần đáng kể cho sự thất bại của người nuôi sò trong toàn tỉnh. Anh Trương Văn Lê (47 tuổi, xã Thạnh Hải) vớt vát được gần 50% vốn do sớm nhận ra xu hướng tồi tệ của con sò, nhưng 90 triệu đồng của anh cũng “không cánh mà bay” theo sự mất tích của thương lái “lạ”. Anh Lê cho biết: “Thương lái nhờ người quen mua và đặt cọc 10 triệu đồng, hứa sau khi tiêu thụ sẽ về trả luôn lãi phát sinh trong thời gian thiếu nợ. Vì nhẹ dạ tin vào tình cảm người quen nên khi thương lái biến mất rồi, người đại diện mua cũng không có tiền trả vì họ chỉ mua giúp thương lái để lấy hoa hồng”.
Năm 2013 này giá sò cao nhưng bà con không có sò để bán
Ông T.L.T, chủ một trại ươm sò giống tại Bình Đại cho biết: “Chúng tôi sản xuất sò giống theo quy trình kỹ thuật đàng hoàng, nhưng đến nay cũng chưa biết tại sao mà vụ 2011-2012 lại gặp tình trạng đó. Đâu chỉ riêng giống sò Thái Lan của chúng tôi, các trại giống khác đều gặp tình cảnh tương tự. Vụ 2013 này, cơ sở đã giảm số lượng gần 70%”.
Ông Lê Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre cho biết: “Chúng tôi đã gửi mẫu sò để giám định và tìm nguyên nhân sò chết, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Qua bước đầu phân tích thì trên những con sò này có nhiều loại kí sinh trùng (chiếm 60% trọng lượng ruột sò, nằm trong các mô thịt). Những loại kí sinh trùng này bước đầu xác định là không có khả năng gây bệnh cho sò. Đây cũng là nguyên nhân làm con sò chậm lớn vì chúng sẽ hấp thụ hết chất dinh dưỡng”.
Theo khuyến cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, bà con phải thả sò đúng thời vụ vì con sò chết do nguyên nhân liên quan đến độ mặn - ngọt của nước, mật độ thả nuôi cũng là yếu tố quyết định lượng thức ăn cho sự phát triển của con sò.
Có thể bạn quan tâm

Theo người dân nuôi nghêu ở xã Cẩm Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), hiện tượng nghêu chết ở vùng này bắt đầu xuất hiện từ ngày 19-2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán), mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm để cứu nghêu, nhưng không có hiệu quả.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong tháng 2 năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 381 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ, đưa tổng sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 793.000 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng khai thác là 436.000 tấn, tăng 4,1%, nuôi trồng 331.000 tấn, tăng 2,3%.

Với gần 20 bể, diện tích gần 200m2, thời gian trước bình quân mỗi năm gia đình ông xuất hai lứa hơn 20 tấn cá. Trừ các khoản chi phí, như thức ăn, giống... gia đình ông thu lãi không dưới 50 triệu đồng. Gần 2 năm nay, việc đưa cá ra thị trường gặp khó khăn. Hiện tại gia đình ông còn đọng hơn 3 tấn cá đang thời kỳ thu hoạch.

Ông Trương Thanh Mai (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) xuất thân từ gia đình làm ruộng, nghèo. Do vậy, từ nhỏ, cậu bé Mai đã luôn ôm mộng làm giàu từ nông nghiệp. Sau nhiều trăn trở với đủ nghề để mưu sinh từ chăn nuôi heo, xay cà phê, làm thùng suốt lúa… ông Mai cho ra đời nhà máy xay xát lúa. Song, cuối cùng, ông Mai lại thành công với nghề nuôi cá sấu.

Trong khi đó, từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay, tôm đất và tôm rằn xuất hiện nhiều ở khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy An), giúp nhiều ngư dân có thu nhập. Bình quân mỗi ngày có 40 sõng khai thác tôm đất và tôm rằn ở khu vực đầm Ô Loan. Với giá từ 200.000 đồng đến 220.000 đồng/kg tôm đất (loại khoảng 120 con/kg) và từ 280.000 đồng đến 320.000 đồng/kg tôm rằn (loại 80 con/kg), nên nhiều người có thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày.