Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển cần tạo điều kiện cho các tổ tự quản hoạt động

Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển cần tạo điều kiện cho các tổ tự quản hoạt động
Ngày đăng: 16/11/2015

Khi những rạn san hô, rong mơ mất đi, đồng nghĩa với “ngôi nhà” là nơi sinh sản, trú ngụ của các loại cá, mực, ốc con gần bờ bị phá hủy.

Trước thực trạng trên, các tổ tự quản bảo vệ tài nguyên, môi trường biển tại xã ven biển Bình Châu (Bình Sơn) được thành lập.

Nhưng sau 2 năm hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường biển, các tổ tự quản này lại đối mặt với nhiều khó khăn, khiến thành viên trong tổ ngày càng vơi dần...

Hoạt động hiệu quả...

Theo chu kỳ sinh trưởng, dịp đầu năm là rong mơ mọc trên các rạn san hô.

Sau 6 tháng rong mơ già đi.

Trong thời gian rong mơ phát triển là lúc các loại hải sản ven bờ vào trú ngụ, đẻ trứng, nuôi con non.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người đã khai thác rong mơ chưa đủ tuổi, bán với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg rong mơ khô.

Cùng với đó, việc khai thác các rạn san hô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven bờ và nguồn tài nguyên biển.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển giúp nguồn lợi hải sản ven bờ tăng lên, ngư dân tăng sản lượng và thời gian đánh bắt.

Trăn trở trước thực trạng nguồn tài nguyên ven bờ bị cạn kiệt, năm 2013, tổ tự quản thôn Châu Thuận Biển, thôn Phú Quý và An Hải, xã Bình Châu ra đời.

Để bảo vệ môi trường biển, các tổ tự quản thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nâng cao nhận thức về nguồn lợi rong mơ và san hô.

Không kể ngày đêm, các tổ tự quản tham gia tuần tra, canh giữ bờ biển để bảo vệ rong mơ phát triển đúng chu kỳ.

Khi phát hiện có người lén lút khai thác rong mơ chưa đủ tuổi, tổ tự quản đến nhắc nhở, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng xử lý những trường hợp vi phạm...

Đây cũng là các tổ tự quản đầu tiên trên cả nước.

Sau hai năm hoạt động, các tổ tự quản không chỉ góp phần bảo vệ môi trường biển, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập của người dân địa phương đáng kể.

Như trước khi tổ tự quản ra đời, rong mơ dài khoảng 1m, chưa đủ tuổi đã bị khai thác.

Trong khi rong mơ phát triển đủ chu kỳ, đạt chiều dài đến 6 - 7m.

Nguồn hải sản gần bờ được tái tạo.

Ngư dân tăng thời gian đánh bắt và tăng sản lượng thu hoạch.

Tính trung bình số tiền thu nhập từ nguồn lợi hải sản này tăng lên gấp 10 lần so với khi chưa có tổ tự quản.

... nhưng đối mặt với khó khăn

“Chúng tôi hoạt động chủ yếu theo tinh thần tự nguyện và tấm lòng tâm huyết vì môi trường và đời sống của người dân”, ông Võ Tấn Miên, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tự quản thôn Châu Thuận Biển chia sẻ.

Nhiều thành viên trong các tổ tự quản gác việc nhà, để đóng góp vì việc chung.

Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, nhiều thành viên trong tổ gặp phải sự cản trở, phản đối, thậm chí có những lời lẽ không hay của một số người dân lén lút khai thác rong mơ bị phát hiện, làm ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, ông Nguyễn Văn Phức, thôn Phú Quý cho hay.

Sau hai năm hoạt động hiệu quả, nhưng các tổ tự quản chỉ hoạt động theo tinh thần “vác tù và hàng tổng”, không có bất cứ nguồn kinh phí hỗ trợ nào cho các thành viên.

Vì khó khăn này nên thành viên các tổ tự quản dần vơi đi.

Từ 14 thành viên ban đầu của Tổ tự quản thôn Châu Thuận Biển đến nay chỉ còn 4 thành viên.

Tổ tự quản thôn Phú Quý từ 19 thành viên hiện còn 7 người tham gia.

Thôn An Hải từ 13 thành viên nay chỉ còn 4 người trong tổ.

Nói về điều này, ông Nguyễn Quốc Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Châu đánh giá cao tinh thần tự nguyện và hiệu quả do các tổ tự quản mang lại.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các tổ tự quản gặp nhiều khó khăn như không có nguồn kinh phí, sự bất hợp tác của một số người dân; trong khi đó, nguồn kinh phí của xã còn eo hẹp...

Thời gian sắp đến, địa phương đề xuất trích một phần kinh phí và đề nghị cấp trên kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các tổ tự quản hoạt động bền vững.

Lợi nhuận tăng lên hàng tỷ đồng

Ông Võ Tấn Miên - Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tự quản thôn Châu Thuận Biển cho biết, chỉ tính riêng nguồn lợi rong mơ tại thôn Châu Thuận Biển thì, trước khi Tổ tự quản ra đời, sản lượng rong mơ khai thác chưa đủ tuổi chỉ đạt 40kg rong mơ khô/ngày, thời gian thu hoạch một vụ chỉ kéo dài 9 ngày.

Sau khi Tổ tự quản thành lập, năng suất rong mơ thu hoạch đúng mùa vụ lên đến 85kg/ngày, thời gian thu hoạch kéo dài lên 20 ngày/vụ.

Còn về hải sản gần bờ như cá kình (hạt dưa) thì nhờ đảm bảo môi trường sinh sống giúp ngư dân tăng sản lượng thu hoạch lên gấp đôi, thời gian đánh bắt tăng lên 30 ngày, so với khi chưa có Tổ tự quản thì ngư dân chỉ đánh bắt 5 ngày là hết cá kình trong mùa vụ.

Tính ra lợi nhuận tăng lên hàng tỷ đồng.


Có thể bạn quan tâm

Đổi Thay Ở Nông Thôn Hà Quảng Đổi Thay Ở Nông Thôn Hà Quảng

Đến các xã vùng cao của huyện Hà Quảng, nhận ra những nét mới ở nơi đây. Ý thức vệ sinh môi trường của bà con các dân tộc vùng cao đã có nhiều chuyển biến, chuồng trại nuôi trâu, bò được che chắn cẩn thận, láng xi măng sạch sẽ, gia súc được di dời ra khỏi gầm sàn nhà ở đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo tiền đề cho huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

30/06/2013
Trồng Khoai Tây Solara Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Thái Nguyên Trồng Khoai Tây Solara Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Thái Nguyên

Ngày 24/1, tại xã Bá xuyên, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Phòng Kinh tế T.X Sông Công (Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất khoai tây vụ đông 2012 nhằm đánh giá năng suất, chất lượng của giống khoai tây Solara, nhập khẩu từ nước Cộng hòa Liên bang Đức.

26/01/2013
Vợ Chồng Cựu Chiến Binh Vượt Khó Làm Giàu Vợ Chồng Cựu Chiến Binh Vượt Khó Làm Giàu

Hơn 20 năm phục vụ trong quân đội, vợ chồng cựu chiến binh Võ Văn Chuột và Trần Thị Xuân xuất ngũ trở về xã nhà, ở ấp Phú Lợi A (Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) tiếp tục tham gia vào mặt trận sản xuất phát triển kinh tế gia đình, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

13/08/2013
Nữ Tỷ Phú Nuôi Tôm Trên Cát Nữ Tỷ Phú Nuôi Tôm Trên Cát

Từ những dự án hàng triệu đô la bỏ hoang của Công ty Việt - Mỹ, chị Nguyễn Thị Hạnh đã thuê lại để đầu tư nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

14/08/2013
Kiến Nghị Việc Giải Tỏa, Di Dời Lồng, Bè Nuôi Trồng Thủy Sản Tại Vũng Rô Kiến Nghị Việc Giải Tỏa, Di Dời Lồng, Bè Nuôi Trồng Thủy Sản Tại Vũng Rô

UBND huyện Đông Hòa vừa kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND TX Sông Cầu và huyện Tuy An tiếp nhận người dân địa phương có nhu cầu di dời lồng bè từ Vũng Rô về vùng nuôi Mái Nhà (xã An Hải, Tuy An) và vùng nuôi vịnh Xuân Đài (Cù Mông, TX Sông Cầu).

04/07/2013