Bảo Vệ Các Loài Cá Quý Hiếm

Từ năm 2012 đến nay, An Giang đều tổ chức thả cá về thiên nhiên, số lượng ngày càng tăng về loài, trong đó có một số loại cá quý hiếm. Việc làm này nhằm kêu gọi cộng đồng ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trong thiên nhiên, nhất là những loài cá trước đây nổi tiếng vì thịt ngon, số lượng nhiều, nay đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong khi những doanh nghiệp, người dân tham gia thả cá về thiên nhiên, lại có một số trường hợp tương phản với hành động tích cực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn An Giang, đã có nhiều loài cá hiếm nay được đánh bắt với trọng lượng lớn.
Ngày 7-1, một nhóm ngư dân bắt được con cá đuối nước ngọt, nặng trên 90 kg. Ngày 13-1, ngư dân lại thả lưới bắt được cá chình nước ngọt, nặng trên 8 kg. Các ngư dân cho biết, hiện nay thả câu, giăng lưới cũng bắt được nhiều cá sửu to, có con cân nặng trên 7 kg. Tại sông Vàm Nao chảy qua ba huyện Châu Phú, Phú Tân và Chợ Mới, ngư dân cũng bắt được nhiều cá bông lau, từ 5 - 8 kg/con. Ngày 14-1 trên sông Vàm Nao, ngư dân đã đánh bắt được con cá hô nặng 86kg.
Điều đáng nói là những con cá "khủng" này khi bị đánh bắt, đều được đưa ngay vào nhà hàng để trở thành những món đặc sản đắt tiền. Chi cục Thủy sản An Giang đã vận động, tuyên truyền các nhà hàng ở An Giang không nên mua các loại cá lớn do ngư dân đánh bắt, ngày càng khan hiếm trong tự nhiên như cá tra dầu, cá hô... về xẻ thịt bán làm món ăn cho thực khách.
Tuy nhiên, với mức giá quá hấp dẫn đối với người bán, như cá hô có giá 320.000đ/kg, cá sửu 120.000đ/kg… khi trở thành món ăn cao cấp trong nhà hàng, thì dù có giá cả triệu đồng thì vẫn có người mua.
Vấn đề là hiện nay chưa có "Quỹ bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên, động vật quý hiếm", nên thay vì được thu mua để lưu giữ giống, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, thì các động vật, thủy sản vẫn trở thành món ăn không hơn không kém. Việc này giống như chúng ta đang giữ những viên ngọc quý, nhưng do không biết gìn giữ nên ngày càng mất đi, mà không bao giờ tái tạo lại được cho đời sau.
Có thể bạn quan tâm

Hàng trăm tàu cá làm nghề giã cào của ngư dân thành phố bám biển ngày đêm khai thác. Thường từ 0 giờ các tàu cá xuất bến đi khai thác ruốc, đến sáng hoặc trưa cùng ngày cập Cảng cá Quy Nhơn để bán. Mỗi tàu cá khai thác được từ 2 - 7 tạ ruốc, cá biệt có tàu cá khai thác đến hơn cả tấn ruốc.

Theo Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên, trong năm 2015, dự án này tiếp tục thực hiện chương trình Gap theo mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học tại đầm Ô Loan (khu vực các xã An Cư, An Hải, huyện Tuy An).

Địa hình nhiều đồi núi, độ che phủ rừng lớn là điều kiện thuận lợi cho nông dân huyện Sơn Động (Bắc Giang) phát triển đàn ong mật. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc xây dựng thương hiệu loại hàng hóa đặc sản này đang được địa phương quan tâm.

Anh Trần Văn Vương - Phó Trưởng Công an xã Ninh Vân kể cho tôi nghe câu chuyện khá lý thú về dê hoang trên núi Hòn Hèo. Thấy tôi hăng hái muốn lên núi tìm dê hoang, anh đã tình nguyện đi cùng. Sau cơn mưa đêm cuối năm, con đường lên đỉnh Hòn Hèo vốn đã gập ghềnh lại càng trở nên khó đi. Tôi và anh Vương gửi xe ở một chòi canh rẫy ngay bìa rừng để ngược lên khu vực thùng Ba Dao (Hòn Hèo) tìm bầy dê hoang.

Vụ đông năm 2014, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã phối hợp với Công ty TNHH Huy Hùng Thái Nguyên triển khai mô hình trồng giống khoai tây Sinora với quy mô 20ha trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở các xã: Sơn Cẩm, Cổ Lũng, Động Đạt, Yên Lạc, Vô Tranh và thị trấn Đu.