Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Báo động tình trạng nuôi cá sấu không đảm bảo an toàn

Báo động tình trạng nuôi cá sấu không đảm bảo an toàn
Ngày đăng: 10/09/2015

Cá sấu là loài động vật hoang dã, bản tính hung hăng, cá lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Cho nên, việc nuôi bắt buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng, khi đảm bảo các điều kiện như: nguồn gốc xuất xứ con giống rõ ràng, chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, điều kiện vệ sinh môi trường phải đảm bảo... ngành chức năng mới cấp phép.

Quy định là vậy, nhưng thực tế số hộ dân nuôi cá sấu được cơ quan chức năng cấp phép còn hết sức khiêm tốn.

Cá sấu nặng gần 50 kg được anh Nguyễn Văn Dự, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ bắt được ngoài vuông nuôi tôm.

Chính từ việc nhân nuôi cá sấu không đăng ký, người nuôi cũng không được cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật xây dựng chuồng trại, nên nguy cơ cá sấu sổng chuồng ra môi trường tự nhiên là điều khó tránh khỏi.

Ðơn cử là vào khoảng 19 giờ ngày 15/8 vừa qua, anh Nguyễn Văn Dự, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ (Cái Nước, Cà Mau), sau khi đi thăm lú xong, anh chống xuồng lên trảng kiểm tra tôm nuôi, lúc pha đèn thì phát hiện một vật có hình thù rất lạ nổi trên mặt nước cách anh khá xa. Khi chống xuồng đến gần, anh mới phát hiện vật lạ ấy chính là con cá sấu.

Vậy là anh Dự gọi điện về nhà cách đó khoảng 500m, huy động thêm 2 thành viên trong gia đình mang lưới ra để khống chế bắt cá sấu. Cuộc vây bắt cá sấu hết sức cam go và căng thẳng trong điều kiện trời tối. Nhưng với quyết tâm cao, sau gần 1 giờ đồng hồ, gia đình anh Dự đã khống chế thành công và bắt được con cá sấu có chiều dài 2,2m, nặng gần 50kg.

Sau đó anh Dự trình báo với chính quyền địa phương và thông tin anh Dự bắt được con cá sấu “khủng” đã được lan truyền rất nhanh, nhiều hộ dân trong khu vực kéo đến xem và tỏ ra hết sức lo lắng trước tình trạng cá sấu có trọng lượng lớn xuất hiện ngoài môi trường tự nhiên.

Ông Bùi Văn Nho, Trưởng ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, cho biết: “Khi nghe anh Dự bắt được con cá sấu mọi người rất lo sợ, nhất là không biết bà con nuôi nhốt như thế nào mà để cá sấu sổng chuồng. Con cá sấu quá to nên qua vụ việc chúng tôi đã thông báo cho bà con cảnh giác. Theo xác định, con cá sấu không phải ở địa phương này. Vì hiện nay trên địa bàn ấp chỉ có 4 hộ nuôi cá sấu, nhưng thời gian nuôi mới chỉ 1 năm, trọng lượng cá sấu còn nhỏ và cũng không nghe bà con phản ánh có cá sấu sổng chuồng”.

Sau khi chứng kiến con cá sấu khủng anh Dự bắt được ở ngoài vuông nuôi tôm, ông Trần Văn Khoai, ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, lo lắng và bức xúc: “Tôi yêu cầu ngành chức năng quản lý chặt chẽ hơn việc nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là cá sấu.

Vì đối tượng này có bản tính hung hăng, một khi bị sổng chuồng ra môi trường tự nhiên là hết sức nguy hiểm cho con người. Hiện nay, ở vùng nông thôn có rất nhiều người nuôi cá sấu, nhưng có một số hộ chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo an toàn và không đăng ký với cơ quan chức năng, đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn đe doạ đến đời sống, sinh hoạt của người dân”.

“Thực tế hiện có một số ít bà con còn tâm lý ngán ngại việc đăng ký, lý do là nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít nên bà con chưa chấp hành nghiêm theo quy định nhân nuôi. Việc này chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chủ động đăng ký gây nuôi hợp pháp. Còn theo quy định của pháp luật, nuôi cá sấu mà không đăng ký thì phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật từ 5 - 500 triệu đồng, tuỳ theo hình thức gây nuôi”, ông Ðỗ Văn Ðồng lý giải.

Trở lại câu chuyện người dân ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ bắt được con cá sấu ngay trong vuông nuôi tôm có trọng lượng lớn, đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhân nuôi cá sấu không được quản lý chặt chẽ. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý tốt hơn, tránh xảy ra tình trạng cá sấu sổng chuồng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân./.


Có thể bạn quan tâm

Giá heo thấp, người chăn nuôi gặp khó khăn Giá heo thấp, người chăn nuôi gặp khó khăn

Từ đầu năm đến nay, giá heo thấp khiến người chăn nuôi gặp khó. Bà Trần Ngọc Châu, chủ trang trại chăn nuôi heo ở ấp Đông, xã Hòa Long (TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, hiện nay giá heo xuất chuồng bán cho các thương lái chỉ có giá 43.000 - 44.000 đồng/kg, gặp những con heo mỡ nhiều, thương lái ép giá chỉ mua với giá 41.500 đồng/kg; giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Trong khi đó, giá các loại thức ăn cho heo chỉ giảm ít, thậm chí có nhiều loại không giảm.

10/09/2015
Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 5 tỉnh Xuất cấp vắc xin, hóa chất sát trùng cho 5 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp vắc xin và hóa chất sát trùng cho 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Quảng Trị, Cà Mau để phòng chống dịch bệnh.

10/09/2015
Vươn lên từ nuôi tằm trứng Vươn lên từ nuôi tằm trứng

Hiện nay, người nông dân không chỉ nuôi tằm bán kén, mà còn nuôi tằm trứng cung cấp giống. Bà Đỗ Thị Hoa, thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, Lâm Hà (Lâm Đồng) là người có uy tín, chuyên nuôi tằm trứng cung cấp tằm con cho hàng trăm nông hộ trong vùng dâu Hoài Đức.

10/09/2015
Mô hình chăn nuôi bò Hoàng Anh Gia Lai phấn khởi bước vào giai đoạn II Mô hình chăn nuôi bò Hoàng Anh Gia Lai phấn khởi bước vào giai đoạn II

Ông Nguyễn Ngọc Mai-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn HAGL) đưa chúng tôi đến thăm trại chăn nuôi bò Đak Yă vào một ngày khá mát trời. Ngoài những cánh đồng cỏ xanh mướt, với quy mô hàng chục ngàn con, trại bò thịt và trại bò sữa được chăn nuôi ở 2 khu riêng biệt, có chế độ chăm sóc khác nhau.

10/09/2015
Phát triển mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học Phát triển mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học

Xuất phát từ hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong vấn đề giảm thiểu tác hại đến môi trường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa (Phú yên) đã triển khai mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Từ thành công của mô hình này, hiện nay nhiều hộ nuôi heo ở các địa phương đã nhân rộng hình thức nuôi heo bằng đệm lót sinh học.

10/09/2015