Báo động tình trạng nuôi cá sấu không đảm bảo an toàn

Cá sấu là loài động vật hoang dã, bản tính hung hăng, cá lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Cho nên, việc nuôi bắt buộc phải đăng ký với cơ quan chức năng, khi đảm bảo các điều kiện như: nguồn gốc xuất xứ con giống rõ ràng, chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo an toàn, điều kiện vệ sinh môi trường phải đảm bảo... ngành chức năng mới cấp phép.
Quy định là vậy, nhưng thực tế số hộ dân nuôi cá sấu được cơ quan chức năng cấp phép còn hết sức khiêm tốn.
Cá sấu nặng gần 50 kg được anh Nguyễn Văn Dự, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ bắt được ngoài vuông nuôi tôm.
Chính từ việc nhân nuôi cá sấu không đăng ký, người nuôi cũng không được cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật xây dựng chuồng trại, nên nguy cơ cá sấu sổng chuồng ra môi trường tự nhiên là điều khó tránh khỏi.
Ðơn cử là vào khoảng 19 giờ ngày 15/8 vừa qua, anh Nguyễn Văn Dự, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ (Cái Nước, Cà Mau), sau khi đi thăm lú xong, anh chống xuồng lên trảng kiểm tra tôm nuôi, lúc pha đèn thì phát hiện một vật có hình thù rất lạ nổi trên mặt nước cách anh khá xa. Khi chống xuồng đến gần, anh mới phát hiện vật lạ ấy chính là con cá sấu.
Vậy là anh Dự gọi điện về nhà cách đó khoảng 500m, huy động thêm 2 thành viên trong gia đình mang lưới ra để khống chế bắt cá sấu. Cuộc vây bắt cá sấu hết sức cam go và căng thẳng trong điều kiện trời tối. Nhưng với quyết tâm cao, sau gần 1 giờ đồng hồ, gia đình anh Dự đã khống chế thành công và bắt được con cá sấu có chiều dài 2,2m, nặng gần 50kg.
Sau đó anh Dự trình báo với chính quyền địa phương và thông tin anh Dự bắt được con cá sấu “khủng” đã được lan truyền rất nhanh, nhiều hộ dân trong khu vực kéo đến xem và tỏ ra hết sức lo lắng trước tình trạng cá sấu có trọng lượng lớn xuất hiện ngoài môi trường tự nhiên.
Ông Bùi Văn Nho, Trưởng ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, cho biết: “Khi nghe anh Dự bắt được con cá sấu mọi người rất lo sợ, nhất là không biết bà con nuôi nhốt như thế nào mà để cá sấu sổng chuồng. Con cá sấu quá to nên qua vụ việc chúng tôi đã thông báo cho bà con cảnh giác. Theo xác định, con cá sấu không phải ở địa phương này. Vì hiện nay trên địa bàn ấp chỉ có 4 hộ nuôi cá sấu, nhưng thời gian nuôi mới chỉ 1 năm, trọng lượng cá sấu còn nhỏ và cũng không nghe bà con phản ánh có cá sấu sổng chuồng”.
Sau khi chứng kiến con cá sấu khủng anh Dự bắt được ở ngoài vuông nuôi tôm, ông Trần Văn Khoai, ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ, lo lắng và bức xúc: “Tôi yêu cầu ngành chức năng quản lý chặt chẽ hơn việc nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là cá sấu.
Vì đối tượng này có bản tính hung hăng, một khi bị sổng chuồng ra môi trường tự nhiên là hết sức nguy hiểm cho con người. Hiện nay, ở vùng nông thôn có rất nhiều người nuôi cá sấu, nhưng có một số hộ chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo an toàn và không đăng ký với cơ quan chức năng, đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn đe doạ đến đời sống, sinh hoạt của người dân”.
“Thực tế hiện có một số ít bà con còn tâm lý ngán ngại việc đăng ký, lý do là nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít nên bà con chưa chấp hành nghiêm theo quy định nhân nuôi. Việc này chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chủ động đăng ký gây nuôi hợp pháp. Còn theo quy định của pháp luật, nuôi cá sấu mà không đăng ký thì phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật từ 5 - 500 triệu đồng, tuỳ theo hình thức gây nuôi”, ông Ðỗ Văn Ðồng lý giải.
Trở lại câu chuyện người dân ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ bắt được con cá sấu ngay trong vuông nuôi tôm có trọng lượng lớn, đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhân nuôi cá sấu không được quản lý chặt chẽ. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý tốt hơn, tránh xảy ra tình trạng cá sấu sổng chuồng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân./.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mua nhím giống với giá hơn chục triệu đồng/con, sau mấy năm chăm sóc, nhím trưởng thành có trọng lượng gần 20 kg bán được mức giá tròm trèm vài triệu đồng. Hàng loạt chủ trại nhím ở các tỉnh vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… đang điêu đứng vì giá bán nhím giảm mạnh.