Bắc thêm cây cầu trên đường vượt khó

Những hộ dân được tiếp cận nguồn vốn vay đều phấn khởi, yên tâm bởi từ nay được bắc thêm cây cầu trên đường vượt khó.
Tại TP.Cần Thơ, chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi đã được triển khai nhanh chóng.
Xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ là một trong những địa phương nằm trong đợt giải ngân đầu tiên. Theo đó, đối tượng được vay là hộ từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hàng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo, được UBND xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.
Không lo tái nghèo do thiếu vốn
Ngày 15.9, cầm trên tay số tiền 40 triệu đồng vừa được vay, ông Mai Văn Minh (ngụ ấp 2, xã Thạnh Phú) phấn khởi nói: “Lúc trước tôi được vay theo diện hộ nghèo 10 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn này, tôi đã thoát nghèo. Nay được vay vốn chương trình cho hộ mới thoát nghèo, tôi sẽ đầu tư mở rộng mô hình nuôi lợn. Gia đình rất mừng vì được hỗ trợ để có điều kiện ổn định cuộc sống hơn”.
Ông Mai Văn Minh (xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) tiếp nhận số tiền vay ưu đãi mới được giải ngân. Ảnh: Chúc Ly
Cũng như ông Minh, ông Nguyễn Văn Tiến ngụ ấp An Lợi, xã Thạnh Phú được vay 40 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăn nuôi.
“Thủ tục vay vẫn rất đơn giản, nhưng mình phải có phương án sản xuất rõ ràng…” - ông Tiến chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phong – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ, hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo.
Mức cho vay do ngân hàng và hộ vay thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ (50 triệu đồng/hộ).
Điều kiện để vươn lên khấm khá
" Với mức cho vay bình quân đối với hộ mới thoát nghèo gần 40 triệu đồng/hộ, nguồn vốn này cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người vay”.
Ông Lưu Đức Phong - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cờ Đỏ
Về chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo, ông Phạm Văn Nghiệp – Phó Chủ tịch Hội ND xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ chia sẻ:
“Đối với các hộ vay thuộc tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội ND quản lý, trước khi cho vay, chúng tôi đã kết hợp với chính quyền bình xét đối tượng công khai, dân chủ. Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo này nhận được sự đồng tình cao của người dân”.
Huyện Cờ Đỏ được thành phố phân bổ nguồn vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo là 7 tỷ đồng. Trong đó, xã Thạnh Phú là nơi tổ chức đợt giải ngân đầu tiên cho 42 hộ, với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Văn Thuận - Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ cho biết thêm:
“Thực tế cho thấy, trong số những hộ vừa thoát nghèo, thoát cận nghèo nếu không có vốn để tiếp tục sản xuất sẽ có nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo rất cao.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giúp những đối tượng trên tiếp tục được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng CSXH để có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…”.
Có thể bạn quan tâm

Với niềm đam mê chăn nuôi, anh Võ Đình Duẫn (thôn Bắc Lân, xã Ba Động, Ba Tơ) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi heo khép kín. Sau 3 năm, mô hình này đã mang lại doanh thu tiền tỷ cho gia đình anh.

Tháng Tám, núi rừng Ba Tơ bạt ngàn xanh. Đó là màu xanh của ruộng mía, rẫy keo. Ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ba Tơ đã tiếp tục phát huy thế mạnh của đất đồi rừng, trồng đa dạng cây nguyên liệu, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân...”.

Kết quả điều tra của VCCI cho thấy phần lớn doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đối tượng buôn lậu sử dụng hóa đơn xuất hàng, thay nhãn hiệu bao bì đường trong nước để đưa đường cát Thái Lan vào nội địa tiêu thụ.

Thủy sản Việt Nam ngon có tiếng trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đứng ở tốp đầu nhưng người tiêu dùng trong nước muốn ăn hàng ngon không phải dễ