Bác sĩ mê làm... rau sạch

Muốn ăn phải lăn... ra vườn
Bắt đầu đơn giản từ mong muốn gia đình có được nguồn rau ăn hàng ngày an toàn và tươi ngon, nhưng không dễ tìm mua, anh Hồ Thanh Bình đã xắn tay đầu tư vào 2.000m2 đất để trồng các loại rau. Vì cách trồng đảm bảo tiêu chuẩn sạch rất mới mẻ, anh Bình phải nhiều đêm nghiên cứu, dịch các tài liệu của nước ngoài hướng dẫn trồng rau thủy canh và đến tận những nhà vườn trong nước đang áp dụng cách trồng rau sạch để học hỏi. Dù chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện anh vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
“Hồi mới làm tôi cũng nhức đầu lắm, bởi hàng trăm thứ phải lo. Nguồn giống, bao bì trồng, nhà vườn, kỹ thuật, nguồn nước… thấy đơn giản nhưng tất cả mình phải đảm bảo đúng quy trình, sử dụng đúng chất liệu mới có được nguồn rau ưng ý”. Anh Bình cho biết thêm, nhiều đợt gieo hạt nhưng rau không lên; có đợt rau nảy mầm nhưng không lớn mà ngày càng già cỗi. Mỗi loại rau lại đòi hỏi một tỷ lệ phân, nước khác nhau, nếu pha như vậy sẽ rất mất thời gian và vốn đầu tư rất nhiều... khiến việc trồng rau để giải trí, thư dãn và có cái ăn cũng lắm gian nan với anh.
Tiếp tục tìm hiểu tài liệu, lại được một số bạn bè giúp sức về kinh nghiệm, nên sau nhiều thất bại, giờ đây anh Bình đã nắm vững được phương thức canh tác vườn rau thủy canh. Dần dần, những luống rau muống, cải, xà lách… phủ xanh khu vườn. Người dân trong khu vực này thường tìm tới mua rau của anh về dùng. Có người cuối tuần mang ô tô từ thành phố xuống mua rau mang về cho gia đình ăn cả tuần.
Ước mơ xây vùng rau sạch
Không dừng lại ở việc trồng rau sạch thủy canh, anh Hồ Thanh Bình còn đầu tư hàng tỷ đồng cho 1.000m2 trồng 2 loại dưa lưới và dưa vàng tại cồn Đá Lửa, xã Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên.
Tại đây, cách canh tác hoàn toàn khép kín. Vườn dưa được trồng trong nhà kính, hệ thống tưới nước kiểu nhỏ giọt đến từng dây dưa.
Nhiễm thói quen kỹ tính của nghề y, từ khâu chọn giống, xây nhà kính, chăm bón… và ngay đến cả loại phân cũng được anh Bình chọn lựa kỹ càng từ nước ngoài nhập về để đảm bảo sạch và nguồn gốc rõ ràng. Tất cả đều theo phương thức canh tác sạch- không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, kích thích… Dù đầu tư vốn nhiều nhưng bù lại số lượng nhân công chăm sóc vườn dưa rất ít, chỉ một người vận hành hệ thống tưới, phân bón và chăm nom là đủ.
Để có vườn dưa nhiều quả như hôm nay, anh Bình phải mất gần cả năm để chuẩn bị. Từ khâu đất, nước đến tỷ lệ phối trộn phân bón, dinh dưỡng cho cây đều phải có công thức chính xác. Ngay đến thời gian tưới, lượng nước tưới bao nhiêu cũng phải căn chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Ước mơ về vùng rau sạch tại cồn Đá Lửa hẳn sẽ thành hiện thực khi mà lứa dưa đầu tiên của anh Bình đã đến với tay người tiêu dùng. Nhiều bạn bè, người thân ở TP.HCM sau khi biết đến rau sạch, dưa sạch của bác sĩ Hồ Thanh Bình đã thường xuyên đặt hàng anh cung cấp mỗi ngày. “Tôi mong muốn sẽ có nhiều người cũng canh tác rau sạch giống như mình. Bây giờ tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đáng báo động nên tôi tin rằng ai cũng mong muốn được dùng rau sạch với giá cả hợp lý”- anh Bình nói.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi thu hoạch xong lúa hè thu, nông dân đã cải tạo ruộng và xuống giống gần 14.000ha lúa thu đông và hơn 1.000ha lúa trên đất tôm - lúa. Bên cạnh đó, nông dân TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải đã xuống giống gần 2.000ha lúa cao sản.

Sau hơn 20 năm cật lực lao động, ông Phạm Văn Quất ở thôn Bằng Bộ, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện đã biến khu ruộng trũng cấy lúa bấp bênh thành trang trại thủy sản trù phú nhất, nhì tỉnh Hải Dương. Đó là "trang trại thủy sản vàng Dung Quất".

Nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) rất phấn khởi khi thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống tượng do Hội Nông dân Việt Nam đầu tư. Từ nguồn cá giống dễ mua và có thể bắt được trong thiên nhiên; thức ăn là những loại cá tạp tận dụng quanh ao, đầm; cá bán ra được giá cao… Những ưu điểm ấy đã thúc đẩy mô hình này ngày càng phát triển.

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, mấy ngày gần đây cá cơm, cá nục xuất hiện dày đặc trên ngư trường của tỉnh. Hiện có khoảng 4.000 phương tiện tham gia đánh bắt hải sản với khoảng 20.000 ngư dân đang tập trung khai thác vụ cá Nam.

Tận dụng ưu thế của địa phương có luồng lạch, cửa biển, nhiều hộ gia đình ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá Chẽm bằng lồng. Kết quả kinh tế từ loại hình nuôi trồng thủy sản này cho thấy, nếu được đầu tư bài bản, đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, nuôi cá Chẽm bằng lồng sẽ mở hướng thoát nghèo cho bà con nông dân vùng biển cửa.