Bắc Ninh Phòng Bệnh Cho Thủy Sản Trong Mùa Cao Điểm

Các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh Bắc Ninh cơ bản hoàn thành việc xuống giống vào ao nuôi. Để bảo đảm cho một vụ thủy sản năng suất, giá trị cao, các hộ nuôi trồng cần có những biện pháp chuẩn bị tích cực để ứng phó khi dịch bệnh thủy sản xảy ra.
Thông thường, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, thời tiết có những diễn biến phức tạp, ngày nắng nóng, đêm mưa dông, tạo ra chênh lệch nhiệt độ trong môi trường ao nuôi, khiến cá bị sốc nhiệt hoặc nhiễm các khí độc sản sinh trong ao như H2S, NH3…. Khi đó, sức đề kháng của cá giảm và đây cũng là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể cá với các bệnh do ký sinh trùng như trùng bánh xe, trùng mỏ neo, nấm thủy mi, hoặc các bệnh do vi khuẩn, vi rút như bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột...
Thực tế, cuối tháng 4 vừa qua, tại một số vùng nuôi trồng thủy sản ở Phù Lương, Đức Long (Quế Võ), Lạc Vệ (Tiên Du), Phú Hòa (Lương Tài) xảy ra tình trạng cá chép, trắm cỏ chết rải rác do nhiễm nấm và vi khuẩn. Chi cục Thủy sản Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) lấy mẫu để xét nghiệm và đưa ra giải pháp chữa bệnh kịp thời.
Năm 2013, toàn tỉnh có 7,82 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, làm chết 4,33 tấn cá. So với tổng sản lượng thu hoạch, số thiệt hại không đáng kể và dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch của người nông dân thì lại rất đáng lo ngại.
Cần phải nhấn mạnh rằng, những biện pháp phòng tránh và xử lý dịch bệnh cho đàn cá không quá phức tạp và đa phần các hộ nuôi đều đã được hướng dẫn, tập huấn chi tiết, thường xuyên. Tuy nhiên, một số người dân ngại bỏ công và kinh phí chăm sóc, phòng bệnh cho cá dẫn đến thiệt hại rải rác trong năm do cá chết, đồng thời năng suất và chất lượng thủy sản của các hộ này cũng giảm.
Ông Đoàn Đắc Hưng, thôn Ngọc Thượng (Phú Hòa, Lương Tài) có kinh nghiệm 10 năm nuôi trồng thủy sản, cho biết, ông rất quan tâm tới việc phòng, chống dịch bệnh cho cá. Ngay từ đầu vụ, khi xuống giống, ông đã vệ sinh ao bằng cách thả vôi bột xuống đáy ao. Hàng tháng, rắc vôi bột 2-3 lần, sử dụng thêm tỏi tươi và thuốc sinh học Bio-DW. Mỗi ngày, ông đều chủ động dùng dụng cụ đo độ pH trong ao để theo dõi diễn biến môi trường nước.
Theo ông, những ngày thời tiết biến động, người nuôi cần phải kiểm soát lượng thức ăn cho cá vừa phải, không để cá ăn quá no, gây hại đến đường ruột. Nhờ chăm sóc tốt, hai ao cá của ông ít khi bị dịch bệnh nặng, thu nhập mỗi năm ổn định đến vài trăm triệu đồng.
Tính toán sơ bộ của Chi cục Thủy sản cho thấy, mỗi tháng, các hộ chỉ phải bỏ ra khoảng 4 triệu đồng/1ha chi phí thuốc và các chế phẩm phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho cá. Chi cục khuyến cáo người dân nên bổ sung thêm các loại men tiêu hóa, vitamin C trong khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng đàn nuôi. Tùy điều kiện từng nguồn nước cấp, các hộ cần tính toán thả cá với mật độ vừa phải, cân đối cơ cấu giống cá hợp lý.
Trong quá trình nuôi, quản lý tốt thức ăn, phân bón (không bón phân tươi) để tránh ô nhiễm môi trường nước và hạn chế các bệnh phát triển. Người dân cần thường xuyên quan sát ao nuôi và tình trạng con cá để kịp thời xử lý, không để bệnh lây lan.
Đối với các ao cá bị bệnh, cần giảm lượng thức ăn cho cá để tránh dư thừa thức ăn làm ô nhiễm môi trường nước, có biện pháp cách ly với các ao bị bệnh xung quanh. Sử dụng thuốc Vạn Tiêu Linh để xử lý môi trường nước, và thuốc trộn với cám để cho cá ăn. Sau khi rắc thuốc đều khắp mặt ao cần chạy máy bơm nước hoặc máy tạo ô xy để tuần hoàn nước, giảm khí độc trong ao. Ngay khi phát hiện ra ao nuôi có biểu hiện lạ, người dân nên báo cho cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản tỉnh để chẩn đoán, thu mẫu xác định nguyên nhân và cách chữa bệnh.
Theo nhận định của Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, nhìn chung, dịch bệnh trên đàn cá ít phức tạp và người dân chỉ cần quản lý tốt 3 yếu tố: mầm bệnh, môi trường và vật chủ. Nếu áp dụng tốt các biện pháp phòng, chữa bệnh cho cá thì một diện tích nuôi trồng nhỏ cũng có thể đạt hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm

Để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa và vụ đông, các sở, ban ngành của TP đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, trong đó, vấn đề phòng trừ sâu bệnh, dịch hại được đặc biệt lưu tâm.

Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.

Thực hiện mô hình này, dinh dưỡng của cây cà phê đã được cải thiện, cây phát triển tốt và cho nhiều quả hơn, giảm rụng trái nên năng suất tăng; ngoài ra, nông dân còn giảm được chi phí đầu tư do giảm được công lao động, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.

Gia đình chị Mai Trần Thanh Vân ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa - Đắk Nông), 4 năm nay đã phát triển nghề trồng nấm bào ngư hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình.

Ốc nhảy - con ốc được xem là vua của các loài ốc đang mang lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân xã Đức Minh (Mộ Đức, Quảng Ngãi). Mỗi ngày ra khơi lặn sâu dưới đáy biển bắt ốc, mỗi gia đình ngư dân thu về tiền triệu.