Bạc Liêu Sẵn Sàng Cho Vụ Nuôi Tôm Năm 2014

Vào thời điểm này, người dân vùng nuôi tôm Bạc Liêu đang cải tạo ao đầm, sẵn sàng cho vụ nuôi mới. Theo đó, công tác quản lý chất lượng giống, thuốc thú y thủy sản được Chi cục Thú y tỉnh chú trọng nhằm không để con giống kém chất lượng và thuốc, hóa chất giả lưu hành trên địa bàn gây rủi ro, thiệt hại cho người nuôi.
Nông dân phấn khởi thả giống
Vụ tôm cuối năm 2013, nông dân không chỉ được mùa mà còn trúng giá. Nhiều thương lái cho biết, giá tôm sú thời điểm này tăng cao. Tôm sú loại 20 con/kg giá dao động từ 300.000 - 320.000 đồng, tôm sú loại 30 con/kg giá từ 200.000 - 230.000 đồng, tôm sú loại 40 con/kg giá từ 150.000 - 180.000 đồng.
Cùng với việc trúng mùa, trúng giá, những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh đã dần được ổn định nên nông dân phấn khởi, tiếp tục đầu tư thả giống cho vụ tôm mới.
Anh Nguyễn Minh Đương (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) vui vẻ nói: “Vụ tôm vừa qua, người nuôi tôm ở đây đều có lãi do được mùa và được giá. Hiện nay, các hộ nuôi tôm bắt đầu thả tôm giống cho vụ mới. Năm nay sẽ là một năm đầy hứa hẹn của những người nuôi tôm chúng tôi”.
Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 65.182ha. Trong đó, tôm công nghiệp 562ha (tôm sú 273ha; tôm thẻ 289ha), nuôi quảng canh cải tiến kết hợp 64.620ha.
Nhằm hỗ trợ nông dân trong quá trình nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thông báo cho người nuôi lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014 và thực hiện lịch điều tiết nước hợp lý cho các vùng nuôi thủy sản. Song song đó, tập trung chỉ đạo phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển…
Khuyến khích phát triển nuôi thâm canh, xen canh, luân canh và nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một diện tích. Ngoài ra, phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để giúp bà con tổ chức sản xuất, phòng trừ dịch bệnh và khôi phục lại sản xuất khi gặp rủi ro…
Tăng cường kiểm dịch giống và thuốc thủy sản
Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh thường xuyên bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến tôm nuôi. Trong khi đó, con giống và thuốc thú y thủy sản ngày càng kém chất lượng. Số lượng tôm giống bán trôi nổi xuất hiện ngày càng nhiều, thuốc thủy sản, thức ăn tôm giả cũng không ít.
Để hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người nuôi tôm, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm giống từ nơi khác nhập vào địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản, hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng lưu thông; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủy sản… Năm 2013, tổng lượng tôm giống qua kiểm tra, kiểm dịch là trên 20,7 tỷ con; trong đó, lượng giống sản xuất tại địa phương hơn 8,8 tỷ con, giống nhập ngoài tỉnh gần 12 tỷ con.
Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tỉnh còn tổ chức tập huấn về “Quy trình kiểm dịch và quản lý giống thủy sản” cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh giống trong việc cải tiến kỹ thuật sản xuất và hợp tác với cơ quan chức năng trong công tác kiểm dịch giống.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tôm giống nhập vào địa phương. Theo dõi diễn biến, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống của các cơ sở trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng giống, vệ sinh thú y”.
Có thể bạn quan tâm

Hồi giữa tháng 5 dương lịch, vợ chồng anh Tám Quế Phú ở huyện Quế Sơn đồng loạt gieo sạ 4 sào lúa bằng loại giống dài ngày Nhị ưu 838. Giai đoạn đầu thấy cây mạ lên xanh mướt, họ khấp khởi mừng. Thế nhưng 10 ngày trở lại đây ốc bươu vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều khiến anh phập phồng lo vụ mùa thất bát.

Những tháng đầu năm nay, người chăn nuôi một lần nữa lại lao đao vì giá thịt lợn, thịt gia cầm giảm mạnh, sản phẩm bán ra không đủ bù chi. Trên cả nước, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi vẫn tiếp tục "treo" chuồng hoặc giảm đàn. Nguy cơ thiếu thực phẩm vào dịp cuối năm 2013 và đầu năm 2014 hiện hữu rõ nếu không kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực nhằm vực dậy ngành chăn nuôi.

Trong hai tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng; nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn.

Việc phát triển mạnh cây keo lá tràm góp phần làm thay da đổi thịt vùng đất Thạnh Phú (xã Đại Chánh, Đại Lộc), tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định.

Từ cuối tháng 3 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Đức Mai (huyện Tây Sơn - Bình Định) - đơn vị tham gia liên minh sản xuất và chế biến hạt điều thuộc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh - đã đến xã Cát Lâm tổ chức thu mua hạt điều của 57 hộ xã viên HTXNN 2 Cát Lâm, xã Cát Lâm (Phù Cát) cùng tham gia liên minh với giá 18.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg.