Bạc Liêu: Nông Dân Xã Châu Hưng A: Thu Nhập Cao Từ Cây Bồn Bồn

Nhiều nông dân ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi - Bạc Liêu) ăn nên làm ra nhờ mô hình trồng cây bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt. Cây bồn bồn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá mà còn góp phần đa dạng nguồn rau sạch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn…
Với những hộ ít đất sản xuất như anh Cao Văn Đen (ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A) thì việc chọn trồng cây bồn bồn và nuôi cá nước ngọt được xem là một hướng đi đúng. Anh Đen cho biết: “Mỗi năm, từ việc kết hợp nuôi cá và trồng bồn bồn, nông dân có thể lãi hơn 20 triệu đồng/công. Trung bình, lợi nhuận 1 công bồn bồn tương đương với 4 công lúa”. Xã Châu Hưng A hiện có hơn 40 hộ dân thực hiện mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt trên diện tích gần 20ha, tập trung ở các ấp Trà Ban 2, Hà Đức, Thông Lưu A…
Cây bồn bồn có khả năng thích nghi cao, sống được trên cạn lẫn dưới nước nên rất dễ trồng. Bên cạnh đó, bồn bồn chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch lâu dài, nhẹ công chăm sóc. Mỗi năm, bồn bồn cho thu hoạch hơn 10 vụ với năng suất từ 110 - 150kg/công/vụ. Trong khi đó, cá nuôi trong ruộng bồn bồn không phải tốn công chăm sóc và chi phí thức ăn.
Theo ông Nguyễn Hồng Lê - người chuyên trồng và thu mua bồn bồn (ở ấp Trà Ban 2): “Bạn hàng xem bồn bồn là một loại rau sạch. Bởi, trong quá trình trồng cho đến ngày thu hoạch thì không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Giá bồn bồn tươi thành phẩm hiện nay là 16.000 đồng/kg. Bồn bồn được tiêu thụ tại chợ Bạc Liêu và bán rất chạy. Mỗi ngày, người dân ở xã Châu Hưng A cung ứng cho các chợ đầu mối hơn 150kg bồn bồn tươi…”.
Bên cạnh đó, cây bồn bồn còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bà con ở đây có thêm nghề nhổ bồn bồn thuê với giá 4.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một lao động có thể nhổ từ 30 - 40kg bồn bồn, thu nhập từ 120.000 - 160.000 đồng.
Để mô hình trên phát huy hiệu quả lâu dài, chính quyền xã Châu Hưng A đã có kế hoạch thành lập tổ hợp tác trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá. Qua đó, nhằm tạo đầu ra ổn định, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản nước ngọt.
Có thể bạn quan tâm

Minh Xuân là xã phát triển rất mạnh mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở huyện Lục Yên, một trong những hộ nuôi ba ba đầu tiên là gia đình anh Ma Văn Biểu ở thôn 7. Nhà anh có 1ha ao, trước đây, chỉ nuôi cá nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chưa kể khi dịch bệnh xảy ra, đàn cá chết la liệt

Theo y học hiện đại, măng tây có tác dụng chữa trị bệnh ung thư nhờ ngăn chặn được sự phát triển của các tế bào này. Những năm đầu thế kỷ 20, một bác sĩ người Hoa Kỳ đã ứng dụng thành công việc đưa măng tây vào khẩu phần ăn cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư bàng quang

Trong những năm gần đây một số tỉnh vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ đã làm tốt khâu chuyển dịch cây trồng từ sản xuất 3 vụ lúa thành 2 vụ lúa xen canh với một vụ rau màu đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao, đồng thời có tác dụng cải tạo đất và cách ly nguồn sâu bệnh hại, đặc biệt là dịch rầy nâu

So với nhiều nghề truyền thống trong khai thác đánh bắt thủy sản ở Cà Mau như lưới cào, lưới vây, đẩy te... thì câu mực tầng đáy là nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân và góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ gìn môi trường biển.

Trồng rau sạch bằng phương pháp thuỷ canh, đã được du nhập vào nước ta từ mấy năm nay, nhưng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm hay ở quy mô hộ gia đình để phục vụ nhu cầu trong nhà. Nhưng nay có một trang trại mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và sản xuất thành công mô hình rau sạch thuỷ canh để bán ra thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao