Bạc Liêu: Nông Dân Xã Châu Hưng A: Thu Nhập Cao Từ Cây Bồn Bồn

Nhiều nông dân ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi - Bạc Liêu) ăn nên làm ra nhờ mô hình trồng cây bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt. Cây bồn bồn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá mà còn góp phần đa dạng nguồn rau sạch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn…
Với những hộ ít đất sản xuất như anh Cao Văn Đen (ấp Trà Ban 2, xã Châu Hưng A) thì việc chọn trồng cây bồn bồn và nuôi cá nước ngọt được xem là một hướng đi đúng. Anh Đen cho biết: “Mỗi năm, từ việc kết hợp nuôi cá và trồng bồn bồn, nông dân có thể lãi hơn 20 triệu đồng/công. Trung bình, lợi nhuận 1 công bồn bồn tương đương với 4 công lúa”. Xã Châu Hưng A hiện có hơn 40 hộ dân thực hiện mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt trên diện tích gần 20ha, tập trung ở các ấp Trà Ban 2, Hà Đức, Thông Lưu A…
Cây bồn bồn có khả năng thích nghi cao, sống được trên cạn lẫn dưới nước nên rất dễ trồng. Bên cạnh đó, bồn bồn chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch lâu dài, nhẹ công chăm sóc. Mỗi năm, bồn bồn cho thu hoạch hơn 10 vụ với năng suất từ 110 - 150kg/công/vụ. Trong khi đó, cá nuôi trong ruộng bồn bồn không phải tốn công chăm sóc và chi phí thức ăn.
Theo ông Nguyễn Hồng Lê - người chuyên trồng và thu mua bồn bồn (ở ấp Trà Ban 2): “Bạn hàng xem bồn bồn là một loại rau sạch. Bởi, trong quá trình trồng cho đến ngày thu hoạch thì không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Giá bồn bồn tươi thành phẩm hiện nay là 16.000 đồng/kg. Bồn bồn được tiêu thụ tại chợ Bạc Liêu và bán rất chạy. Mỗi ngày, người dân ở xã Châu Hưng A cung ứng cho các chợ đầu mối hơn 150kg bồn bồn tươi…”.
Bên cạnh đó, cây bồn bồn còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bà con ở đây có thêm nghề nhổ bồn bồn thuê với giá 4.000 đồng/kg. Mỗi ngày, một lao động có thể nhổ từ 30 - 40kg bồn bồn, thu nhập từ 120.000 - 160.000 đồng.
Để mô hình trên phát huy hiệu quả lâu dài, chính quyền xã Châu Hưng A đã có kế hoạch thành lập tổ hợp tác trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá. Qua đó, nhằm tạo đầu ra ổn định, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản nước ngọt.
Có thể bạn quan tâm

Phát triển chè hữu cơ là một trong những định hướng quan trọng của ngành nông nghiệp Lào Cai nhưng với quan điểm phát triển nhưng không làm ồ ạt mà chỉ tập trung tại những vùng thực sự có thế mạnh.

Bình Thạnh Đông không phải là xã có diện tích trồng màu nhiều nhất ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nhưng nhờ sự linh hoạt và kinh nghiệm học hỏi lâu năm của nông dân, nghề gắn bó với cây màu ở đây vẫn được địa phương đánh giá cao về hiệu quả kinh tế.

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng khoai mỡ gần 800 ha tập trung ở 2 xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và một số xã khác, đất đai phần lớn bị nhiễm phèn, nên nông dân sau khi trồng khoai mỡ thường bỏ đất trống hay trồng cây khoai mì luân canh trong thời gian nước lũ về từ tháng 9 hàng năm. Mấy năm gần đây, mô hình trồng cây màu xen canh được bà con trong huyện chú trọng và nhiều loại cây màu bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó có cây đậu phộng.

Từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, sáng 31/7, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) phối hợp cùng Công an huyện Tuy An bắt quả tang một vụ bơm bột rau câu vào tôm thương phẩm tại cơ sở mua bán thủy sản do bà Cao Thị Kim Phượng ở thôn Tân Long, xã An Cư, làm chủ.

Mấy ngày qua, người dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bắt được loài cá “lạ”. Cá có thân hình giống loài cá lóc, có vẩy, đầu giống cá sấu, mỗi con dài khoảng 7 - 8 tấc, nặng khoảng 2,5 - 4kg.