Bạc Liêu Chủ Động Phòng Dịch Bệnh Cho Tôm Lúc Giao Mùa

Hằng năm, cứ vào thời điểm giao mùa cũng là lúc tôm chết hàng loạt. Năm nay cũng vậy, dù mới xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, nhưng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở Bạc Liêu đã lên đến hơn 4.820ha.
Tôm thay nhau chết
Với người nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp, chuyện tôm chết vào thời điểm giao mùa không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nông dân, do thời tiết năm nay khá khắc nghiệt nên việc chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Mạc Minh Chánh (khóm Trà Kha B, phường 8, TP. Bạc Liêu) - nông dân có tôm nuôi bị thiệt hại, nói: “Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp và khác hẳn những năm trước. Tôi có hơn 7ha tôm nuôi đang khỏe mạnh, nhưng chỉ sau mấy đám mưa đầu mùa mà tôm chết sạch, gây thiệt hại rất nặng nề. Nguyên nhân là do dịch bệnh và con tôm bị sốc trước sự thay đổi đột ngột của môi trường”.
Không riêng ở TP. Bạc Liêu, mà gần như tôm nuôi ở các huyện cũng bị thiệt hại vì những trận mưa đầu mùa. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, trong tuần qua, diện tích tôm nuôi công nghiệp của tỉnh bị thiệt hại hơn 100ha. Phần lớn tôm chết nằm trong giai đoạn từ 1 - 2 tháng tuổi.
Nhiều nông dân đã cải tạo xong ao đầm nhưng do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên phải hoãn thời gian thả giống. Diện tích chưa thả giống trong tỉnh hiện nay là hơn 9.980ha. Và theo dự báo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, thời gian tới, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại và nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm tăng lên.
Chủ động phòng bệnh trên tôm
Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân bảo vệ tôm nuôi, chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Ở các huyện, thành phố, ngành Nông nghiệp địa phương đã đề ra kế hoạch phòng chống dịch bệnh tôm với những biện pháp thiết thực.
Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh; tăng cường cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người nuôi tôm cách phòng tránh bệnh tôm; thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh tôm giống để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng con giống; tăng cường giám sát và quản lý tốt vùng nuôi, cơ sở nuôi tôm để kịp thời phát hiện dịch bệnh; chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản…
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Bạc Liêu, cho rằng: “Để quản lý và phòng chống dịch bệnh tôm trong giai đoạn chuyển mùa, TP. Bạc Liêu đã thành lập các tổ kiểm tra dịch bệnh trên tôm. Các tổ này sẽ thực hiện công tác khảo sát và đánh giá tác nhân gây bệnh, đặc biệt là với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Bên cạnh đó, người nuôi cần báo với ngành Nông nghiệp khi thả giống để cán bộ kỹ thuật có thể nắm chặt vùng nuôi, dễ dàng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con khi có dịch bệnh xảy ra”.
Ngoài ra, để bảo vệ diện tích tôm hiện có, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích bà con cần thực hiện các biện pháp phòng tránh thiệt hại trong mùa mưa như: gia cố bờ bao vuông tôm; thức ăn cho tôm phải là loại tốt; thường xuyên bổ sung kháng chất cho tôm; cần duy trì mực nước trong ao từ 1,3 - 1,8m tránh để biến động nước sau những cơn mưa hay nhiều ngày nắng gắt; thường xuyên kiểm tra ổn định độ pH vì nó quyết định phần lớn sức đề kháng của tôm. Đối với tôm gặp rủi ro cần phải có biện pháp xử lý để tránh làm ô nhiễm môi trường...
Có thể bạn quan tâm

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lụt mới đây, nhiều hộ nuôi tôm, cua… tại phường Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã rơi vào cảnh trắng tay. Ngành chức năng đã khuyến cáo không tiếp tục thả nuôi trong thời gian mưa bão, nhưng với hy vọng mong manh rằng thời tiết sẽ thuận nên người nuôi đã phải gánh chịu thiệt hại.

Nói về mô hình nuôi động vật hoang dã, ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), nhận định: Các mô hình này rất có tiềm năng, phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn huyện, nhất là tại các xã xây dựng NTM trong tương lai…

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phát triển góp phần tăng diện tích trồng lúa hàng năm của An Giang trên 600.000 héc-ta, đạt sản lượng gần 4 triệu tấn.

Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, thế nhưng tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất độc hại, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trên rau, đặc biệt là rau ăn lá, đã ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Sản xuất và cung ứng rau an toàn đang là câu chuyện được các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm. Thế nhưng sản xuất rau an toàn vẫn gặp khó...

Thời gian gần đây, vùng biển ven bờ thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có hàng chục chiếc tàu cá làm nghề giã cào thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, các tàu cá này chủ yếu đánh bắt bằng xung điện làm môi trường biển bị hủy hoại, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt khiến ngư dân trong vùng bức xúc.