Bắc Hà Trồng Thử Nghiệm Thành Công Giống Lê Đài Loan

Cây lê Tai nung Đài Loan là một trong những cây ăn quả được huyện đưa vào trồng khảo nghiệm trong 6 năm qua, đến nay đã cho những kết quả tích cực. Những thành công đó mở ra hướng phát triển cây ăn quả mới trên đất vùng cao Bắc Hà.
Từ tháng 8/2002, giống lê Tai nung Đài Loan được đưa về Trại rau quả Bắc Hà trồng thử nghiệm 13 cây ghép trên gốc cây mắc coọc 2 năm tuổi. Sau 6 năm trồng thử nghiệm kết quả cho thấy cây lê Tai nung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu Bắc Hà, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh, trọng lượng quả trung bình từ 400- 500g, chất lượng quả tốt, thơm ngon, ngọt mát. So với các loại cây ăn quả khác ở Bắc Hà, cây lê Tai nung Đài Loan cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn.
Để tìm hiểu kỹ hơn về giống cây ăn quả mới này, chúng tôi đến thăm Trại rau quả Bắc Hà vào những ngày cuối tháng 6, khi những quả lê đang chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Đặng Hồng Quân - Trại trưởng Trại rau quả Bắc Hà, cho biết: Cây lê Tai nung Đài Loan là cây ưa khí hậu lạnh, phát triển tốt ở độ cao 750m trở lên nên phù hợp trồng trên đất Bắc Hà. Hơn nữa cây lại được ghép trên cây mắc coọc bản địa nên khả năng thích nghi về điều kiện tự nhiên của vùng rất tốt. Lê Tai nung còn có ưu điểm ra hoa muộn hơn cây đào và mận, vì thế tránh được thời điểm rét đậm trong tết, thời gian thu hoạch vào tháng 7 sau khi thu hoạch đào và mận Bắc Hà, và chín trước lê địa phương 15 ngày.
Hiện nay Trại rau quả Bắc Hà có trên 800 cây mẹ đang được đội ngũ cán bộ, công nhân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng phát triển của cây, tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu cơ bản về kỹ thuật canh tác. Đồng thời Trại tiếp tục chăm sóc 3 vạn gốc ghép để đến thời vụ nhân giống. Có thể nói mô hình cây lê Tai nung đang dần khẳng định được tính ưu việt.
Tuy vậy, đây mới chỉ là mô hình trồng thử nghiệm. Để cây trồng mới này trở thành một trong những cây thế mạnh và phát triển thành vùng chuyên canh hàng hoá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công tác đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của người dân, việc quy hoạch và sử dụng quỹ đất trồng hợp lý, vấn đề theo dõi tình hình sâu bệnh, diễn biến bất thường của thời tiết… tất cả đang được tỉnh và huyện đặc biệt quan tâm. Trước mắt chọn hộ sản xuất giỏi trồng mỗi hộ từ 1 – 2 ha thành những vùng tập trung, đặc biệt chú ý công tác chăm sóc, bảo quản ngay từ những ngày đầu… Có như vậy, mô hình cây ăn quả này mới trở nên thiết thực, tiến tới xoá đói làm giàu cho người dân vùng cao Bắc Hà.
Có thể bạn quan tâm

Diện tích nuôi các loại nhuyễn thể ngày một tăng, tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp và các hộ dân đầu tư lớn cho nghề nuôi nhuyễn thể thì nghề nuôi này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ bị dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề nếu không được phòng bệnh kịp thời trong quá trình nuôi.

Tại các chợ truyền thống, giá quả tươi đã bắt đầu rục rịch tăng. Cho dù giá thanh long tại các vườn ở tỉnh Bình Thuận đang rớt giá thê thảm, nhưng tại Hà Nội, giá thanh long vẫn tăng không ngừng. Cụ thể, giá thanh long ruột đỏ tại một số chợ hiện được bán 60.000 đồng/kg, thanh long thường có giá 35.000 đồng/kg.

Phú Vang là một trong những xã nghèo của huyện Bình Đại, với diện tích tự nhiên 997ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 641ha, dân số toàn xã 1.184 hộ, trong đó có 189 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 16,13%. Kinh tế chủ yếu là trồng lúa và dừa, tiềm năng về nuôi thủy sản với hình thức xen canh khá mạnh nhưng chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả, chủ yếu là hình thức nuôi nhử tôm, cá từ tự nhiên hiệu quả thấp.

Từ một xã gặp nhiều khó khăn sau khi chia tách, nhưng bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, nên qua 15 năm phát triển, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Qua 1 vụ nuôi từ 9 - 12 tháng, hào đạt từ 0,5 – 0,7 con/kg, ông bán với giá 14.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu lãi hơn 40 triệu đồng. Năm 2013, ông tiếp tục mở rộng diện tích tôn lên 1.050 mét và chia ra nuôi nhiều đợt để có sản phẩm thu hoạch tiêu thụ hàng ngày, hàng tuần nhằm vừa đảm bảo thời gian thu hoạch vừa nuôi tiếp những kỳ tiếp.