Ba Ba Gấp 3 Cá

Phong trào nuôi ba ba ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho hiệu quả cao, lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa; điển hình là hộ ông Hồ Đức Nguyên ở ấp Phú Thọ mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng.
Vừa ra sau vườn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước thành quả lao động của ông Nguyên, một cựu chiến binh từ Kiên Giang mới chuyển về Cần Thơ hơn 2 năm qua đã gây dựng được cơ ngơi đáng kể. Với diện tích khoảng 1.000 m2 ông xây 150 m2 ao để thả nuôi ba ba và còn đang tiếp tục mở rộng thêm. Trên mặt ao trồng đủ các loại rau để cải thiện bữa ăn.
Ông Nguyên cho biết: “Tôi đã từng thử thách qua nhiều nghề và bắt đầu nuôi ba ba từ 3 năm trước tại Giồng Riềng - Kiên Giang nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và rất tự tin đối với mô hình nầy”.
Tuy chưa phải là một trang trại nhưng ông đã mạnh dạn đầu tư, bố trí và thiết kế ao nuôi đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Xung quanh ao đều được dựng một hàng tôn, bảo đảm an toàn cho vật nuôi không thoát ra ngoài. Ngoài ra ông còn có thêm lò ấp trứng và nhiều bãi cát cho ba ba sinh sản.
Hiện ông đang thả 1.000 con ba ba, giống lai giữa Đài Loan và Thái. Thức ăn chính của chúng là cá và thức ăn viên, nhưng ông thích tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, tự đánh bắt để giảm bớt chi phí. Đặc biệt vào mùa nước nổi, các loài cá linh, cá trắng, cá đồng, ốc… rất dễ đánh bắt nên thức ăn khá dồi dào.
Ông Nguyên cho biết thêm: Đối với con ba ba, nếu nuôi đạt khoảng 80% xem như thành công. Bình quân nuôi sau 36 tháng con sẽ nặng từ 1,4 - 1,5 kg, lọt vào loại nhất giá bán thương phẩm hiện nay là 340.000 - 350.000 đ/kg, còn loại nhì giá từ 280.000 - 290.000 đ/kg.
Nhưng theo ông, muốn có hiệu quả kinh tế cao nên nuôi ba ba khoảng 12 - 15 tháng là bán (mỗi con nặng từ 300 - 400 gr/con với giá 120.000 đ/kg). Nếu nuôi tới 36 tháng sẽ tốn thức ăn rất nhiều nhưng trọng lượng chỉ tối đa khoảng 1,5 kg. Hiện ao nuôi ba ba của ông đều được thương lái đến đặt cọc tiền trước, chỉ chờ ngày thu hoạch.
Ông Nguyên khoe: "Tôi chọn nuôi con ba ba là sống khỏe hơn nuôi các loài thủy sản khác, giá cả luôn ổn định ở mức cao. Nuôi chưa kịp lớn đã có người đến tận ao bắt, nên tôi chỉ tập trung lo nuôi chứ không sợ đầu ra”.
Không những nuôi ba ba thịt mà ông còn SX con giống. Từ đầu năm 2013 đến nay ông đã bán ra trên 3.000 con giống với giá 4.000 đ/con. Ông cho biết ba ba đẻ mỗi tháng 1 lần, trứng ấp 60 ngày nở, sau 3 ngày ba ba con bắt đầu ăn mồi, nhưng thức ăn tốt nhất cho con giống là cá xay nhuyễn. Bình quân 1 năm nuôi ba ba và tiền bán giống gia đình ông lãi trên 100 triệu đồng.
Từ sự thành công đó, ông Nguyên bài tỏ, nuôi ba ba trước tiên đòi hỏi nguồn trong ao nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm, có thể cấp và thoát chủ động. Nước cấp vào cho chảy ngầm, tránh xối mạnh ảnh hưởng xấu đến ba ba. Ao nuôi lý tưởng nhất có diện tích từ 100 - 200 m2, độ sâu nước trong ao từ 1,2 - 1,5 m, đáy ao có một lớp cát mịn hoặc đất pha cát dày 15 - 20 cm.
Bờ ao phải nhẵn, đủ rộng và có độ dốc để ba ba dễ dàng bò lên phơi nắng cũng như tìm chổ đẻ. Trên bờ có rào lưới chắn xung quanh để tránh ba ba bò ra ngoài và trồng cây che mát làm nơi cho ba ba nghỉ ngơi và đẻ trứng.
Không dùng lại ở đây, ông Nguyên còn đang tìm tòi, học hỏi và chuẩn bị bể nuôi, ao nuôi để thả nuôi thêm cua đinh, cũng là một loài động vật có giá trị kinh tế cao, hiện rất khan hiếm trên thị trường vì ít người nuôi, do giá con giống quá cao (600.000 đ/con).
Để đạt năng suất cao và bền vững, ông Nguyên đã mày mò học hỏi và đọc thêm nhiều tài liệu về đặc tính và quá trình sinh trưởng của con ba ba và cua đinh.
Theo kinh nghiệm của ông, con ba ba hầu như rất ít xảy ra bệnh tật. Nhưng muốn bảo đảm thành công, các bể nuôi, ao nuôi phải đúng qui cách, vệ sinh môi trường thật tốt và thức ăn phải sạch, nhất là con giống phải sạch bệnh.
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, nuôi ba ba lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi cá đồng. Có thể khẳng định 1 năm nuôi ba ba lời bằng 3 năm nuôi cá.
Để phát triển mạnh mô hình này, Hội Nông dân xã đấu mối với ngân hàng NN-PTNT huyện để nông dân được vay vốn và mở rộng diện tích nuôi ba ba ra toàn xã.
Có thể bạn quan tâm

Tiêu biểu trong phong trào này là hộ bà Phan Thị No và bà Phan Thị Phơ. Hai bà không chỉ trồng các loại rau màu theo thời vụ mà còn trồng dưa hấu trên bờ bao vuông tôm. Mô hình này đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình đón những mùa xuân sung túc.

Thực hiện Nghị quyết số 52 của HĐND tỉnh, tháng 4/2014, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai mô hình nuôi cá giống mới cho 50 hộ dân trên địa bàn, với tổng diện tích 40ha. Mô hình nuôi cá giống mới hỗ trợ 1,2 triệu con cá rô phi đơn tính giống Đường nghiệp và 40 nghìn cá chép lai ba máu cho các hộ nuôi.

Giống như mọi ngày, hôm nay, khi mặt trời vừa ló dạng, ông Bảy Khắc (Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thong thả tập kết thức ăn lên xuồng, bơi trên đầm cho tôm ăn. Vừa cho tôm ăn, ông đưa mắt nhìn những cánh quạt đang quay đều mà lòng đầy phấn khởi, hy vọng vụ tôm này sẽ thắng lợi như năm trước.

Trước yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không liên quan đến đánh bắt, khai thác hải sản nên vẫn khuyến khích bà con, doanh nghiệp đầu tư, còn tàu đánh bắt xa bờ thì phải phát triển đúng quy hoạch để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2014, vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, sản lượng sản xuất được hơn 2,0 tỷ con cá giống. Ngoài ra, tính đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do viện II cung cấp cho các tỉnh đạt 105.423 con tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao lên đến 22%, một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang.