Áp Lực Giá Lúa Vụ Hè Thu

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) sẽ thu hoạch lúa Hè thu chính vụ. Trong khi đó, lượng lúa Đông xuân vẫn còn tồn đọng chưa thể tiêu thụ hết. Áp lực “lúa cũ chưa bán, lúa mới đã thu hoạch” và “lúa mất giá” tiếp tục đè nặng lên vai người nông dân.
Gia đình ông Trần Văn Hữu, ở ấp 5, xã Vị Thủy hiện còn trên 30 tấn lúa OM 4900 chất đống trong nhà. Theo ông Hữu, do vụ Đông xuân lúa nhà ông thu hoạch cuối vụ nên mất giá trầm trọng. Nghe có chính sách tạm trữ nên dù kẹt tiền ông cũng cố trữ lúa lại chờ giá, bởi vào thời điểm đó, nếu bán lúa tươi chỉ được 4.400 đồng/kg.
Thế nhưng, đã hơn 2 tháng trôi qua, giá lúa vẫn không nhích lên, trong khi lúa Hè thu nhà ông còn khoảng tháng nữa lại đến kỳ thu hoạch. Ông Hữu nói: “Cảm thấy lo nhất là đầu ra lúa Hè thu chưa có, lại nợ tiền phân thuốc chưa trả. Giá lúa như hiện nay thì đỡ, chứ sụt nữa chỉ có nước lỗ, mà không bán thì hết chỗ để chứa lúa rồi”.
Còn tại một vài cánh đồng lúa ở xã Vị Trung, Vị Đông, Vị Thanh - địa phương có diện tích lúa thu hoạch sớm đang vào giai đoạn sắp thu hoạch. Vậy là thêm 1 vụ mùa hứa hẹn bội thu với năng suất ước đạt 900kg đến 1 tấn mỗi công.
Những ngày này, như nhiều nông dân khác ở đây, sáng sớm nào lão nông Nguyễn Văn Kha, ở ấp 5, xã Vị Đông cũng đều có mặt trên cánh đồng gần 15 công lúa chỉ còn hơn 10 ngày nữa là thu hoạch. Vừa vui vì lúa trúng mùa hứa hẹn bội thu, nhưng ông càng thấy lo với giá lúa bấp bênh.
Ông Kha chia sẻ: “Nông dân chỉ nhờ lúa và luôn trông chờ kiếm được đồng lời. Giá như vầy hoài biết chừng nào khá lên?”.
Cùng tâm trạng như ông Kha, ông Nguyễn Ngọc Mãi, nông dân ấp 4, xã Vĩnh Trung thở dài khi nhắc đến giá lúa. Ông cho biết: “Vụ Đông xuân rồi lúa nhích lên mấy bữa mừng gần chết, ai dè tới khi tôi thu hoạch sụt mạnh. Tôi còn bán được 4.200 đồng/kg, chứ nhiều hộ còn có 3.900- 4.000 đồng/kg, cũng phải bán chớ sao giờ.
Lo nhất là vụ Hè thu này, giá lúa lại giảm mạnh như năm rồi, muốn bán cũng không được, mà trữ lại cũng không xong”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, thì toàn huyện hiện còn trên 4.000 tấn lúa Đông xuân được nông dân trữ lại chờ giá, trong khi đó khoảng 1 tháng nữa nông dân trong huyện sẽ bước vào thu hoạch rộ trên 16.000ha lúa Hè thu.
Nếu tình hình tiêu thụ lúa không được cải thiện thì khi vào vụ thu hoạch rộ, nông dân sẽ rất khó khăn, bởi nếu, bán lúa với giá thấp thì không có lời, trữ lại sẽ kẹt vốn và gặp khó trong khâu phơi sấy do thời tiết mưa gió.
Vụ Hè thu này, toàn tỉnh xuống giống trên 75.000ha, trong đó có khoảng 4.000ha lúa chín sớm chuẩn bị cho thu hoạch. Diện tích còn lại sẽ thu hoạch rộ vào giữa tháng 6 tới.
Tiến độ xây kho tạm trữ lúa gạo quy mô 340.000 tấn ở Hậu Giang đang ì ạch, trong khi 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang và Công ty TNHH Đầu tư Đại Phát do mất cân đối kinh phí nên không triển khai thu mua 9.000 tấn lúa tạm trữ được giao theo chỉ tiêu trong vụ Đông xuân.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã tăng hơn 1.400 ha nuôi tôm công nghiệp, chủ yếu là ngoài vùng quy hoạch. Việc tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch kéo theo nhiều hệ luỵ về kiểm soát dịch bệnh.

Chính vì thế, tái cơ cấu (TCC) ngành Nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 là vấn đề cần thiết. Trong đó, NCN cũng phải tính đến phương án TCC phát triển bền vững.

Song hành với các chính sách hỗ trợ, những năm gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động bổ sung nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Từ thả cá hữu nghị với Trung Quốc trên sông Kỳ Cùng, đến thả cá bổ sung cho hồ thủy lợi.

Để tăng thu nhập gia đình, giúp người dân có địa điểm gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời chủ động giá…, UBND xã vừa ra quyết định thành lập tổ hợp tác nuôi bồ câu Phan Văn Dũng (ấp Đồng Sặc). Tổ có 4 thành viên, mỗi thành viên nuôi trên 150 cặp bồ câu.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt Đề án 1956) thực hiện trên địa bàn tỉnh ta với nhiều giải pháp đồng bộ đã cơ bản đạt được một số mục tiêu, kết quả đề ra. Quan trọng nhất đó là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.