Anh Tiến Quyết Tâm Làm Giàu Từ Nuôi Thỏ

Đi tham quan mô hình gồm có 150 gian chuồng mới được dựng lên kiên cố trên diện tích nhà hình chữ U rộng khoảng 200m2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Hệ thống điện, các ô cửa cho ánh sáng tự nhiên, khoang chứa nước… đều được bố trí khoa học, đầy đủ, rất thuận tiện cho việc chăm sóc vật nuôi.
Trên nhiều gian chuồng anh đã để sẵn cỏ, lá phục vụ đàn thỏ mới. Đây là mô hình nuôi thỏ mà anh Dương Văn Tiến, ở thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đang dành toàn bộ trí lực để thực hiện ước mơ làm giàu.
Sau khi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu chăn nuôi của gia đình, anh Tiến nhanh tay cho thức ăn, nước uống vào các khoang chuồng. Nhìn những chú thỏ con ăn ngon lành, tôi thấy niềm vui rạng ngời, lấp lánh qua ánh mắt của anh.
Anh say sưa chia sẻ cách chăm sóc thỏ: chúng dễ nuôi, mỗi ngày chỉ ăn một bữa thức ăn tinh bằng cơm nguội hoặc cám ngô, còn lại có thể tận dụng mọi thứ rau, củ, cỏ, nhưng phải ở sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm vào mùa đông. Chúng cũng hay mắc một số bệnh như đau bụng, bỏ ăn, ghẻ lông…
Những lúc đó, phải cho uống thuốc, hoặc tiêm thuốc và tăng cường thức ăn nóng. Nếu được chăm sóc tốt, phối giống đúng kĩ thuật, một con sinh sản sẽ đẻ từ 6 đến 11 con/lứa, trung bình trong khoảng 45 - 50 ngày cho một lứa. Trong 21 khoang chuồng cũ này hiện có 50 con sinh sản, 40 con nhỏ. Để nuôi thỏ thành phẩm phải nuôi 4 tháng, với mỗi con được 2,2 - 2,5kg…
Nhìn đàn thỏ hiện có, ít ai nghĩ chỉ cách đây hơn 1 năm, đàn thỏ đầu tiên của gia đình anh Tiến chỉ có 10 con cái và 2 con đực giống, với vốn đầu tư mua giống 7 triệu đồng. Trong hơn một năm qua, gia đình đã xuất bán hơn 100 con, thu nhập gần 20 triệu đồng… Với giá trị kinh tế thấy rõ, lại dễ chăm hơn nuôi lợn, hơn nữa đầu ra thuận lợi nên từ đầu năm 2013, gia đình anh đã chuyển hướng sang tập trung nuôi thỏ thay bởi nuôi lợn nái, lợn thịt trước đây.
Anh tiếp tục chia sẻ: “Khi hình thành ý nghĩ mở rộng mô hình làm kinh tế, tôi chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách, báo, nhất là xem các chương trình làm giàu cùng nhà nông về cách chăm đàn thỏ. Sau đó, tìm vay thêm vốn anh em, họ hàng, tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng khu chăn nuôi này từ tháng 6/2013.
Khu nhà hình chữ U, thiết kế thành hai dãy chuồng ở hai bên, với mỗi khoang chuồng rộng 3,5m, cao 0,7m. Cứ một con mẹ, tôi dự trữ 3 khoang chuồng nuôi thỏ con, tức là một con mẹ đẻ từ 6-12 con/lứa, sau khi tách mẹ sẽ chuyển số thỏ con sang khoang chuồng mới...”.
Rồi anh Tiến nhẩm tính, trong hai tháng tới, những khoang chuồng này sẽ không còn khoang nào trống, tương đương đàn thỏ khoảng 500 con. Anh sẽ đầu tư toàn bộ thời gian, công sức, ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm để chăm sóc đàn thỏ…
Rời khu chăn nuôi của gia đình, tôi có một niềm tin vào kiến thức và kinh nghiệm của anh, mà trên hết đó là lòng quyết tâm, ý chí vươn lên trong anh. Như anh Đặng Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên khẳng định: đó là mô hình nuôi thỏ đầu tiên của xã có quy mô và hiệu quả nó sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân trong xã học tập, nhân rộng.v
Có thể bạn quan tâm

Bắt đầu từ năm 2012, Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuât- thương mại và du lịch Thanh Mai đã đầu tư, áp dụng công nghệ sinh học sản xuất ra một loại thực phẩm giàu protein, vitamin tổng hợp có hoạt tính sinh học cao từ giống Tảo xoắn Spirulina – một nguồn dinh dưỡng quý giá của tự nhiên.

Trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Nguyễn Huy Hiên ở ngòi Rằn, khu 1, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ có diện tích 3 ha. Anh đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp theo phương châm "cuốn chiếu", lấy ngắn nuôi dài. Mỗi năm thu được 7 tấn gia cầm, sử dụng lao động tại chỗ 5 - 6 người.

Hiện nay, nuôi giữ cá lưu đông không chỉ giúp người dân chủ động về nguồn giống chất lượng mà còn tạo điều kiện cho các hộ thâm canh tăng vụ lên 2 - 3 vụ/năm. Vì vậy, ngay khi bước vào đầu mùa rét, các hộ nuôi trồng thủy sản đã có nhiều biện pháp tích cực chăm sóc, chống rét cho cá giống.

Chiều 28/11, đoàn công tác của Ban chỉ đạo thực hiện đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi do ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại Phú Yên.

Sau một thời gian ở mức thấp, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu tại An Giang đã tăng khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng, do gần đây nhiều doanh nghiệp tăng cường thu mua cá tra nguyên liệu chuẩn bị hàng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu được dự đoán sẽ tăng vào dịp lễ Tết cuối năm.