Anh Nguyễn Văn Minh khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi bò

Anh Nguyễn Văn Minh là đoàn viên thanh niên xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy. Do không có điều kiện để tiếp tục học lên cao, nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Minh phải sớm lao vào cuộc mưu sinh phụ giúp gia đình.
Không như các bạn cùng trang lứa lên thành phố tìm việc, anh Minh ở tại quê nhà làm mướn, bán vé số. Anh Minh nhận ra rằng ngay tại quê hương mình có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau nhiều năm chăm chỉ lao động, tích lũy được một số vốn, anh Minh đã mạnh dạn mua 2 con bò giống để nuôi.
Anh Minh cho biết: “Hàng ngày tôi vẫn đi làm mướn cho các chủ vườn, chiều về thì cắt cỏ cho bò ăn. Không phụ lòng người chăm sóc, 2 con bò lớn nhanh, khỏe mạnh”. Hiện tại, trong chuồng nhà anh Minh có 12 con bò lớn, nhỏ.
Thời gian đầu chăn nuôi, anh Minh cũng gặp không ít khó khăn do thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc bò và chưa dự tính được thời điểm thuận lợi nhất khi xuất chuồng, dẫn đến chăn nuôi không có lãi. Rút kinh nghiệm từ các lứa chăn nuôi đầu, anh Minh đã tích cực tham dự các buổi tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi do Xã đoàn tổ chức. Sau khi đã có những kiến thức căn bản trong chăn nuôi, anh tiếp tục đầu tư nuôi bò, tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng cỏ.
Anh Minh phấn khởi cho biết: “Bò cái đẻ ra tôi để nuôi rồi bán bò thịt. Mỗi con bò thịt nuôi từ 12 - 18 tháng bán được giá từ 40 - 50 triệu đồng. Việc nuôi bò tuy không khó, nhưng để đạt được thành công, người nuôi cần chú trọng khâu chăm sóc, nhất là giai đoạn bò còn nhỏ, vì đây là giai đoạn bò dễ nhiễm bệnh. Để bò phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh, người nuôi cần bổ sung vitamin cho bò, cho bò ăn thêm cám hoặc thức ăn”.
Là một trong những thanh niên đầu tiên ở xã đạt hiệu quả với mô hình nuôi bò, nên đã có nhiều bạn trẻ trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Thấy đây là giống vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương và có thể nhân rộng, có chút kinh nghiệm nào anh Minh đều nhiệt tình phổ biến cho mọi người.
Điều đáng quý ở anh Minh là tinh thần làm việc không nghỉ ngơi. Được biết, sau khi lập gia đình, khi đã là ông chủ của đàn bò, anh Minh vẫn hàng ngày đi bán vé số, ai thuê gì anh cũng làm. Mỗi sáng anh dậy sớm đi bán hơn 200 tờ vé số; trưa về anh cùng vợ đi cắt cỏ cho bò. Anh Minh chia sẻ: “Là thanh niên, có khả năng lao động nên vợ chồng tôi tận dụng hết thời gian để lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.
Anh Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Xã đoàn Hiệp Đức cho biết: “Anh Minh luôn chí thú làm ăn, biết chăm lo cho con cái ăn học. Bằng sự nhạy bén, ham học hỏi, chăm chỉ lao động, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá. Anh Minh là một trong những thanh niên tiêu biểu của xã, là gương sáng cho thanh niên trong ấp, xã học hỏi và làm theo”.
Có thể bạn quan tâm

Trung tuần tháng 11-2014, phóng viên Báo An Giang đến vùng nuôi cá tra xã Hòa Lạc (Phú Tân) tìm hiểu việc ngư dân La Văn Hạp bị Công ty TNHH Phước Phát Lợi (tỉnh Vĩnh Long) lừa mua trên 110 tấn cá tra và quỵt nợ 1 tỷ 126 triệu đồng. Trớ trêu thay, ông Hạp lại bị phạt 9 tháng án tù treo (do ông Hạp ép Giám đốc DN trả nợ- như báo An Giang đã thông tin ngày 17-11), khiến dư luận xôn xao.

Sáng nay (19/11), tại tỉnh Sóc Trăng, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổng Cục thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam”. Đại diện các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của vùng ĐBSCL, các tỉnh ven biển, ngành, hội, các tổ chức Quốc tế có liên quan tham dự.

Hiện nay, diện tích chuyên NTTS ở các vùng triều trên địa bàn tỉnh là 18.050 ha, trong đó, nuôi nước ngọt 10.350 ha; nuôi nước mặn, lợ 7.700 ha. Để hoạt động NTTS của người dân đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ nuôi ngành thủy sản đã phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về các đối tượng nuôi, quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chi cục Nông - lâm sản và Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 20 cơ sở sản xuất khô được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận còn khá nhiều. Đơn vị đang tiếp tục hướng dẫn cơ sở hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định để việc sản xuất khô đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chỉ với những cột "chà" được làm bằng tre và lá dừa thả chìm dưới đáy biển ngư dân ở các xã bãi ngang ven biển Mộ Đức (Quảng ngãi) đã có thể dụ được cá, mực... vào trú ngụ để đánh bắt. Thả "chà" là một "sáng tạo đặc biệt" của những ngư dân vùng bãi ngang từ bao đời nay.