Anh Nguyễn Văn Đực Ương Cá Giống Lợi Nhuận Khá

Vài năm trở lại đây nghề ương, ép cá giống ở phường Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) phát triển mạnh, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều nông hộ, trong đó có anh Nguyễn Văn Đực ở khu phố Mỹ An.
Năm 2001, thông qua tập huấn khuyến nông - khuyến ngư, học hỏi kinh nghiệm các lão nông ở địa phương, từ 4.000 m2 đất sản xuất lúa hiệu quả thấp, anh mạnh dạn đào 2 ao, mỗi ao rộng 2.000 m2, nuôi cá trê vàng lai. Qua 4 tháng nuôi sản lượng đạt 2 tấn, bán giá 35.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 35 triệu đồng. Bình quân mỗi năm thả 3 vụ, thu lợi nhuận 110 triệu đồng/năm.
Từ thành công này, anh duy trì nuôi cá thương phẩm phục vụ thị trường, tùy theo mùa vụ chủ động nuôi các loại cá thương phẩm đáp ứng người tiêu dùng.
Do nghề nuôi cá cho lợi nhuận khá cao nên năm 2005, anh tiếp tục thuê 5.000 m2 đất đào 5 ao nuôi cá điêu hồng đẻ, mỗi ao rộng 1.000 m2, bình quân mỗi ao thả từ 400 - 500 cá bố mẹ, trong đó cá trống chiếm 10% tổng đàn, mỗi tháng vệ sinh ao 1 lần, giúp cá đẻ sai cho sản lượng 150.000 vạn cá bột/tháng, thương lái đến tại ao mua giá 180.000 đồng/vạn, trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản, công chăm sóc, nhiên liệu bơm tát thu lãi 100 triệu đồng/năm.
Năm 2011 đến nay đầu ra cá điêu hồng không ổn định anh chuyển sang nuôi cá chép Nhật, 3 tháng bán 1 lần, trừ chi phí, lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm.
Trong quá trình nuôi, anh áp dụng đúng các qui trình kỹ thuật trong chăn nuôi thiết kế ao phù hợp, mật độ thả hợp lý, nguồn nước sạch, không nhiễm khuẩn, nhiễm phèn và thuốc bảo vệ thực vật; chọn con giống khoẻ, khẩu phần ăn hợp lý, không dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước, chú trọng cho cá ăn vitamine C, men tiêu hóa hạn chế dịch bệnh trong mùa nước nổi hay thời tiết thay đổi, thường xuyên kiểm tra môi trường nước như: độ pH, nhiệt độ, khí độc... để có biện pháp xử lý kịp thời.
Những kinh nghiệm tích lũy được anh tận tình hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con trong khu vực cùng phát triển nghề ương, ép cá giống, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Nhiều năm liền anh được công nhận "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" các cấp.
Có thể bạn quan tâm

Vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn tỉnh gieo trồng được 9.050 ha cây trồng các loại. Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, khi nắng hạn kéo dài, khiến vụ đông xuân đứng trước nguy cơ sụt giảm năng suất. Ðể ứng phó tình hình, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp đồng bộ các giải pháp để đảm bảo kết quả sản xuất vụ đông xuân.

Mắc ca là loại cây có khả năng chịu hạn tốt, hạt là thực phẩm cao cấp, được ưa chuộng trên thế giới về thị trường, tuy theo đánh giá thì thế giới đang có nhu cầu lớn, nhưng chưa có gì là đảm bảo chắc chắn về giá cả, đầu ra nếu nông dân trồng ồ ạt, chạy theo phong trào.
Toàn tỉnh gieo cấy trên 8.718ha lúa đông xuân, chủ yếu là trà sớm và chính vụ (gần 6.000ha) đang bước vào giai đoạn đòng già, trỗ bông. Thời tiết nắng nóng, sáng sớm có sương nhẹ rải rác là điều kiện thuận lợi để một số bệnh hại trên lúa đông xuân phát sinh, gây hại.

Theo đại diện Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục đã có văn bản gửi Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội về việc cho phép nhập khẩu thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi từ Pháp vào Việt Nam, với điều kiện thịt nhập khẩu đạt các yêu cầu theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa nước giúp người dân giải phóng sức lao động, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế từ “bờ xôi ruộng mật”, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn vùng lòng chảo.