Anh Khiêm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Gà

Từ một người nông dân lam lũ, anh Nguyễn Xuân Khiêm ở thôn Đồng Đò, xã Bình Khê (Đông Triều - Quảng Ninh) đã vươn lên làm giàu, nhờ sự tính toán năng động, đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng huyện Ninh Giang (Hải Dương), trong gia đình có đông anh em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh Nguyễn Xuân Khiêm phải nghỉ học từ sớm. Năm 1984, do ở quê đất chật người đông, nên gia đình anh đã chuyển đến thôn Đồng Đò, xã Bình Khê (huyện Đông Triều) để khai hoang lập nghiệp.
Nhận thấy vùng đất nơi đây rộng rất thuận lợi cho trồng cây ăn quả và chăn nuôi, nhưng vì không có vốn và kinh nghiệm, giai đoạn đầu, gia đình anh chủ yếu cấy lúa và trồng một số loại cây truyền thống, nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống gia đình cũng rất khó khăn.
Năm 2007, thấy ở xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế VAC được nhiều người thực hiện thành công, anh đã đi tham khảo ở một số địa phương trong huyện tìm hiểu và học hỏi cách làm. Sau khi tham khảo kinh nghiệm về, anh quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu, anh tập trung chủ yếu vào chăm sóc 2ha diện tích trồng na, ổi, thả cá và kết hợp chăn nuôi khoảng 700 con gà ta. Vì chưa có kinh nghiệm, anh cũng chỉ dám chăn mỗi năm một lứa với tiêu chí vừa làm, vừa học để xem hiệu quả ra sao, nếu hiệu quả kinh tế sẽ đầu tư tiếp.
Đồng thời, anh dành nhiều thời gian tham gia tích cực các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức và đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về công tác chăn nuôi theo mô hình trang trại. Năm 2012, do đã có kiến thức và kinh nghiệm nuôi từ trước đó, anh đã vay 200 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT huyện Đông Triều, để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 4 lứa một năm, trung bình mỗi lứa anh nuôi khoảng 3.000 con gà ta, theo mô hình nuôi trang trại với quy mô lớn.
Anh Nguyễn Xuân Khiêm cho biết: “Để làm kinh tế trang trại thành công, ngoài cái chung phải có ý chí làm giàu, dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ và kiên trì, người chăn nuôi cũng cần phải có kỹ thuật, có kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật úm gà khi còn nhỏ và chú ý tiêm vắc xin theo đúng định kỳ.
Trong năm nay, mặc dù, một số địa phương trong huyện đã xảy ra dịch cúm gia cầm và giá cả xuống thấp, nhưng nhờ làm tốt đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nên việc chăn nuôi của gia đình tôi phát triển vẫn ổn định, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng tấn thịt gà.
Từ việc nuôi gà ta theo hình thức trang trại này, mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng. Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng thêm quy mô trang trại nhưng lại khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi được tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư”.
Từ những kết quả gặt hái được, gia đình anh Nguyễn Xuân Khiêm đã nhiều năm liền được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Đông Triều. Bản thân anh cũng chính là một trong những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên để mọi người học tập và noi theo.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Bò sữa TP Hồ Chí Minh triển khai dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt tại tỉnh Lâm Đồng”.

Theo chân anh Nguyễn Xuân Danh cán bộ Nông lâm ngư diêm nghiệp xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ ở thôn 1, xã Xuân Hải với gần 7 năm trong nghề nuôi hải sâm kết hợp với tôm sú cho hiệu quả.

Hạn chế được ô nhiễm môi trường, dễ áp dụng cho cả trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hiệu quả kinh tế... đó là những hiệu quả tích cực mà người chăn nuôi heo trong tỉnh Hậu Giang nhận thấy được sau khi áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.

Trước tình hình khô hạn khốc liệt đang xảy ra, Trung tâm Giống thủy sản Bình Định vừa có văn bản gửi lãnh đạo Sở NN-PTNT đề nghị hỗ trợ khẩn cấp số kinh phí gần 550 triệu đồng để chống hạn cứu đàn cá giống bố mẹ gồm các loại: trắm, trôi, mè, chép, rô phi, bống tượng… đang được nuôi giữ tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản xã Mỹ Châu (Phù Mỹ).

Cùng với nhiều chương trình tặng quà cho người dân, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ ngư dân. Nguồn tiền khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân bám biển, với lãi suất ưu đãi 3%/năm đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý…