Anh Khiêm Giàu Từ Trang Trại Nuôi Gà

Từ một người nông dân lam lũ, anh Nguyễn Xuân Khiêm ở thôn Đồng Đò, xã Bình Khê (Đông Triều - Quảng Ninh) đã vươn lên làm giàu, nhờ sự tính toán năng động, đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê chiêm trũng huyện Ninh Giang (Hải Dương), trong gia đình có đông anh em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên anh Nguyễn Xuân Khiêm phải nghỉ học từ sớm. Năm 1984, do ở quê đất chật người đông, nên gia đình anh đã chuyển đến thôn Đồng Đò, xã Bình Khê (huyện Đông Triều) để khai hoang lập nghiệp.
Nhận thấy vùng đất nơi đây rộng rất thuận lợi cho trồng cây ăn quả và chăn nuôi, nhưng vì không có vốn và kinh nghiệm, giai đoạn đầu, gia đình anh chủ yếu cấy lúa và trồng một số loại cây truyền thống, nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống gia đình cũng rất khó khăn.
Năm 2007, thấy ở xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế VAC được nhiều người thực hiện thành công, anh đã đi tham khảo ở một số địa phương trong huyện tìm hiểu và học hỏi cách làm. Sau khi tham khảo kinh nghiệm về, anh quyết định đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, thời gian đầu, anh tập trung chủ yếu vào chăm sóc 2ha diện tích trồng na, ổi, thả cá và kết hợp chăn nuôi khoảng 700 con gà ta. Vì chưa có kinh nghiệm, anh cũng chỉ dám chăn mỗi năm một lứa với tiêu chí vừa làm, vừa học để xem hiệu quả ra sao, nếu hiệu quả kinh tế sẽ đầu tư tiếp.
Đồng thời, anh dành nhiều thời gian tham gia tích cực các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức và đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi về công tác chăn nuôi theo mô hình trang trại. Năm 2012, do đã có kiến thức và kinh nghiệm nuôi từ trước đó, anh đã vay 200 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT huyện Đông Triều, để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 4 lứa một năm, trung bình mỗi lứa anh nuôi khoảng 3.000 con gà ta, theo mô hình nuôi trang trại với quy mô lớn.
Anh Nguyễn Xuân Khiêm cho biết: “Để làm kinh tế trang trại thành công, ngoài cái chung phải có ý chí làm giàu, dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ và kiên trì, người chăn nuôi cũng cần phải có kỹ thuật, có kinh nghiệm lựa chọn con giống, kỹ thuật úm gà khi còn nhỏ và chú ý tiêm vắc xin theo đúng định kỳ.
Trong năm nay, mặc dù, một số địa phương trong huyện đã xảy ra dịch cúm gia cầm và giá cả xuống thấp, nhưng nhờ làm tốt đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nên việc chăn nuôi của gia đình tôi phát triển vẫn ổn định, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng tấn thịt gà.
Từ việc nuôi gà ta theo hình thức trang trại này, mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng. Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng thêm quy mô trang trại nhưng lại khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tôi được tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư”.
Từ những kết quả gặt hái được, gia đình anh Nguyễn Xuân Khiêm đã nhiều năm liền được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Đông Triều. Bản thân anh cũng chính là một trong những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên để mọi người học tập và noi theo.
Có thể bạn quan tâm

Trong bốn năm trở lại đây, diễn biến khí hậu xảy ra khá thất thường và năm nay cũng không là ngoại lệ khi ở Nam Bộ tiết trời se lạnh kéo dài từ sau tết Nguyên Đán cho đến tháng 3, và đến đầu tháng 6 thì vẫn còn nắng nóng gay gắt và oi bức.

Ngày 30/5, tại thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách, Bến Tre) đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội trái cây ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ 14 năm 2014 do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức.

Vùng hạ lưu sông Bạn Thạch (xã Hòa Xuân Đông, H.Đông Hòa) có 3ha tôm thẻ chân trắng có độ tuổi từ 30-45 ngày bị chết do hoại tử gan tụy. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Phú Yên có hơn 81ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị mắc bệnh, trong đó có 23,5ha bị mất trắng.

Lục Ngạn hiện có 1.750 ha trồng các giống vải chín sớm như: U hồng, U trứng, U thâm, lai Thanh Hà, Bình Khê, Hùng Long..., trong đó chủ yếu là hai giống U hồng và lai Thanh Hà. Diện tích vải chín sớm được trồng nhiều ở các xã như Tân Mộc, Quý Sơn, Mỹ An, Phượng Sơn.

6 tháng đầu năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thành phố Hải Phòng ước thực hiện hơn 30.000 tấn, đạt 59,46% kế hoạch năm, bằng 101,7% so với cùng kỳ 2013. Hiện, thành phố có 12.600 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 5700 ha nuôi nước ngọt; 6900 ha nuôi nước lợ, mặn; 472 bè nuôi hải sản với 7600 ô lồng và 187 giàn bè nuôi tu hài, vẹm. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ thủy sản sản xuất trên 794 triệu giống thủy sản và dịch vụ 280 triệu giống thủy sản.