An Giang Trồng Quýt Ở Đồi Latina

Đó là mô hình độc đáo trên đồi đất dốc, mà ông Trần Văn Danh (ấp An Thạnh, xã An Hảo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã biến khó khăn trở nên lợi thế, đưa đến thành công trong việc trồng quýt đường của miệt Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Năm đầu tiên, ông thu hoạch được trên 25 tấn trái, bán với giá 13.000 đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập gia đình…
Sự mạo hiểm đáng nểXuất thân nông dân, ông Danh lên lập nghiệp trên đỉnh núi Cấm, rồi mở nhà trọ, bán nước giải khát và lập vườn rừng… tìm kế sinh nhai. “Năm 2010, tôi tìm xuống đồi Latina (núi Cấm) để sang nhượng 13 công đất đồi dốc, xắn tay vào công việc lập vườn trồng quýt đường. Trong khi đó, kỹ thuật canh tác vườn đồi chỉ nghe loáng thoáng, phương pháp chăm sóc cũng mù mờ. Lúc còn kinh doanh nhà trọ trên đỉnh núi Cấm, có một anh bạn ngoài Định Quán (tỉnh Đồng Nai) kết nghĩa, mời ra tham quan cho biết… nên tôi mới nảy sinh ý định trồng quýt trên đồi” – ông Danh kể.
Vậy là, ông được hiểu thêm nhiều thứ về cây giống, thiết kế trồng cây, nguồn nước tưới, bón phân… cho loại quýt đường ghép gốc cam. Kết quả cho năng suất cao, hương vị thơm, chất lượng ngon ngọt. Thưởng thức sản phẩm tại vườn, tận mắt chứng kiến cây quýt đường miệt Định Quán (tỉnh Đồng Nai), vợ chồng ông Danh mừng khấp khởi.
Khi trở về nhà, lập tức xin ngành Kiểm lâm cho mở vườn đồi, sử dụng nước từ hồ khai thác đá Latina khoảng 1.000m2 và sâu cỡ 9 – 10m. “Mấy ổng chấp thuận, vợ chồng tui mừng lắm, mới dám đổ tiền ra đầu tư” – ông Danh phấn khởi. Trước hết, ông đặt hàng 1.500 cây giống, tính trồng trên diện tích 13.000m2 đồi đất dốc Latina.
Mùa mưa năm 2011, cây giống quýt đường được chuyển về từ Định Quán, kể cả chi phí, giá 25.000 đồng/cây. Tranh thủ thời vụ, ông Danh dốc sức khai hoang, tận dụng đất chen giữa những vồ đá lớn, nhỏ để trồng hết được 1.200 cây giống, với thiết kế “1.000m2 trồng 100 cây”. Quýt mau bén rễ, đâm chồi ra lá non, tỉ lệ hao hụt gần như không xảy ra… khiến ông vui mừng vô kể.
Đất không phụ lòng người
Vườn quýt xanh tốt, nhiều người đến thăm đều khen ngợi, song ai cũng phập phồng lúc chuyển sang mùa khô. Dự đoán tình hình, ông Danh chủ động đầu tư máy bơm cao áp, lắp đường dẫn trên 500 mét và đào hồ chứa cấp 2 khoảng 30m3 nước, phục vụ tưới 2 ống cùng lúc.
“Đất không bằng phẳng, tưới ống rất cực công. Nhưng, phù hợp địa hình đồi dốc, tiết kiệm hơn so với tưới phun sương” – ông Danh giải thích.Nhờ vậy, cây quýt đường ở Latina phát triển nhanh, nhiều bạn nhà nông ngạc nhiên, để ý theo dõi cách thức làm ăn mới này.
Tháng ba âm lịch năm 2014, quýt đường của ông Danh ra hoa, kết trái và đến tháng mười âm lịch vừa rồi, thu hoạch năm đầu tiên trên 25 tấn trái.
Theo chu kỳ sinh trưởng, cây quýt vừa đúng 2 năm, hơi sớm hơn giống quýt cùng loại. Kết quả đó, chỉ mới tính trên 70% cây cho trái, 30% cây còn lại bán trái dịp Tết sắp tới và đón lễ Chol Chnam Thmay 2015 của đồng bào Khmer. “Giống quýt Định Quán này, cây không phát triển chiều cao, mà phát tán thấy ham. Lúc đầu, mình cũng nghĩ trồng vậy là thưa, tới khi có trái mới biết rõ kỹ thuật của nhà vườn hướng dẫn” – ông tâm đắc.
Hướng dẫn đi thăm vườn, ông Danh khoe: “Bạn hàng nói, quýt đường đưa ra Phú Quốc và đi lên Hà Tiên, một phần bán qua Campuchia, do người tiêu dùng rất thích.
Ở Bảy Núi, chỉ mỗi mình tui có loại quýt này”. Theo ông tính toán, tổng thu từ vườn quýt đường trên 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi cỡ 250 triệu đồng. Đó là kết quả thu hoạch năm đầu tiên, đến năm thứ 2, thứ 3 thì chắc chắn năng suất vượt trội. “Tui lập vườn quýt, đúng là mạo hiểm quá cỡ, nhưng thu hoạch lại không thể ngờ được. Vậy là, mình có thể yên tâm chăm sóc, bồi bổ thêm miếng vườn” – ông Danh cười tươi.
"Giống quýt đường Định Quán thích hợp vùng đất đồi dốc, còn sâu bệnh chưa phát sinh gì đáng kể. Thế nhưng, vẫn phải chủ động phòng trừ thường xuyên, đảm bảo năng suất và chất lượng trái” – ông Trần Văn Danh cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bạn sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi màu sắc sân vườn phía trước nhiều ngôi nhà rất ư là lạ mắt. Trong xanh thẫm mượt mà của cỏ cây, có màu xanh dương đậm của những tấm bạt ni-lon được che chắn thành hình chữ nhựt, mỗi ô chừng vài chục mét vuông. Trong bể có lục bình, điên điển đang trổ ra những bông hoa sắc màu mát dịu. Những cái bể ấy dùng để nuôi lươn đó bạn ạ! Điểm qua hành trình của con lươn từ tự nhiên đi vào bồn bể, bạn sẽ thầm cảm ơn bao người nông dân chân chất đã cần mẫn sớm hôm để tạo thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Người dân ĐBSCL hy vọng đây là giải pháp khắc phục tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm khi vào vụ thu hoạch đông ken.

Trong năm qua, toàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thả tôm nuôi với diện tích 1.470 ha (67% tập trung tại khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), vượt 40% kế hoạch năm, trong đó có 194 ha tôm sú và 1.276 ha tôm thẻ chân trắng. Song do bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) xuất hiện, lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi trọng điểm với diện tích 625 ha (chiếm 45% diện tích thả nuôi toàn tỉnh và tập trung 82% diện tích bệnh tại Đầm Nại) đã làm cho sản lượng thu hoạch chỉ đạt 87% kế hoạch.

Qua nhiều năm, ông Võ Văn Vân (KP. Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An - Bình Dương) thử nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau từ trồng cây ăn trái, đến chăn nuôi… nhưng đều không mang lại hiệu quả. Chỉ khi quyết định nuôi cá tai tượng, ông mới thực sự thoát nghèo.

Trong tháng 2/2013, diện tích nuôi trồng thuỷ sản (ở nước ngọt và nước lợ) toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hơn 570 ha, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước.