Ăn Chắc, Mặc Bền

Sau thất bại từ việc nuôi chuyên canh tôm sú từ 10 năm trước, người dân ven phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) chuyển sang nuôi tôm xen cua, cá nước lợ và đã phát huy hiệu quả.
Những mô hình hiệu quả
Chị Bùi Thị Huế là một trong những người đầu tiên nuôi tôm xen ghép ở thôn Miêu Nha, xã Lộc Điền. Chị kể, trước đây gia đình khó khăn, nợ chồng nợ vì đeo bám con tôm sú.
Đầu năm 2006, vợ chồng thay đổi cách làm. Khi tìm hiểu một số mô hình của bà con trong vùng, chị quyết định vay mướn người thân để đầu tư vào nuôi tôm xen cua và cá kình. Với 3 hồ, diện tích hơn 1.500m2 trước đó bỏ hoang, chị cẩn thận từ khâu cải tạo vệ sinh đến chọn giống, chăm sóc, qua 6 tháng thu được gần 5 tạ tôm, chưa kể các loại xen ghép, hoạch toán mọi chi phí lãi gần 30 triệu đồng.
Năm sau lại tiếp tục, cứ thế đến nay, gia đình chị luôn ổn định thả nuôi 4 hồ, lãi khoảng 30-40 triệu đồng/năm. Chị Huế phấn khởi khi nói rằng nhờ chuyển sang mô hình nuôi tôm xen ghép, gia đình chị không còn lo cảnh túng thiếu, trả gần hết nợ vay ngân hàng”.
Học tập từ người hàng xóm, ông Huỳnh Vinh, người đã khánh kiệt vì con tôm sú lại chuyển sang nuôi tôm xen ghép. Từ 2 hồ tôm vào thời điểm năm 2007, ông Vinh thả 3 vạn tôm cùng với cua cá, cuối vụ thu được khoảng 1 tấn tôm, chưa kể các loài xen ghép, tính ra lãi cũng được 50-60 triệu đồng. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục thuê các hồ bỏ phế trong vùng, đầu tư thả nuôi. Đến giờ, ông Vinh sở hữu gần 10 hồ, với khoảng 5 ha.
Mỗi năm, trừ các khoản ông lãi trên 100 triệu đồng. Anh Lê Tấn Phong, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đông Hải, Lộc Điền cho biết, nhờ theo mô hình nuôi tôm xen ghép, nhiều gia đình ở Lộc Điền giảm nghèo, xóa nợ nần, vực dậy cuộc sống gia đình. Điển hình như ông Vinh, khoảng 5 năm về trước là đối tượng nợ xấu của địa phương (vay ngân hàng gần 300 triệu đồng), nhưng hiện đã trả hết nợ ngân hàng lại còn dư tiền xây nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt đầy đủ.
Vinh Hưng là địa phương đi đầu mô hình nuôi tôm xen ghép của Phú Lộc. Vào dịp đầu năm, khoảng 500 hộ thả nuôi hơn 330 ha ao hồ, gồm tôm xen cua, cá kình, cá đối. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng khẳng định, người dân Vinh Hưng xem mô hình nuôi tôm xen ghép là hướng phát triển kinh tế hiệu quả bền vững: “ăn ít no lâu”. Nhờ nuôi tôm xen ghép, Vinh Hưng chủ động giảm nghèo qua từng năm; từ hơn 10% hộ nghèo vào trước năm 2010, nay chỉ còn 8,6%.
Khoanh vùng phù hợp nhu cầu thực tế
Ông Mai Văn Sĩ, Phó phòng NN&PTNT Phú Lộc cho biết, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm xen ghép được khẳng định qua những năm gần đây khi thay thế dần mô hình nuôi độc canh tôm sú. Ông Sĩ lý giải chắc chắn, theo mô hình nuôi tôm xen ghép là sống được.
“Ưu điểm của mô hình này so với việc nuôi các loài thủy sản trước”, tôi hỏi. “Cùng diện tích, nuôi tôm xen ghép lãi không nhiều so với việc nuôi chuyên canh tôm sú, nhưng độ rủi ro rất thấp, dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều. Bình quân đạt 5 tạ/ha/năm, lãi khoảng từ 30-50 triệu đồng/ha. Nếu các hộ biết khai thác nguồn thức ăn tự nhiên như rau, rong cỏ... thì lãi cao hơn.
Một ưu điểm nữa là nuôi xen ghép có thể liên tục thu lợi nhuận do đặc điểm phát triển của mỗi loài, xoay được vòng vốn nhanh”.-“Vậy chuyện dịch bệnh thế nào?” - “Có, nhưng không nhiều, không lo sợ như nuôi độc canh con tôm sú khi xảy ra dịch bệnh lây lan hồ này sang ao kia. Thời điểm vừa rồi do thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với nhiều hộ không bám khung lịch xảy ra dịch bệnh, tôm chết khoảng 70ha trong số thả nuôi đầu vụ 780ha”.
Ông Sĩ cho rằng, phát triển mô hình nuôi xen ghép là một chủ trương đúng, hợp lý, phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Phú Lộc. Điều đó đã được khẳng định, không chỉ người dân địa phương mà các nhà chuyên môn, ngành thủy sản đã kiểm chứng qua 5 năm nay. Tuy nhiên hiện nay, lãnh đạo huyện đang lưu ý đến vấn đề quy hoạch, khoanh vùng phù hợp với nhu cầu thực tế; không phát triển ồ ạt mà chỉ đa dạng hóa đối tượng nuôi mới để tránh trường hợp cung vượt cầu.
Phú Lộc hiện có 780 ha đưa vào nuôi tôm xen ghép, chiếm gần 85% diện tích nuôi trồng thủy sản. Những địa phương tham gia nuôi với diện tích lớn, như Vinh Hưng 350 ha, Vinh Giang 210 ha, Lộc Điền 176 ha. Trong vụ nuôi năm 2014, đến thời điểm này Phú Lộc đã thu hoạch hơn 50% diện tích, đạt khoảng 422 tấn tôm, ước giá trị hơn 40 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các cấp ngành và địa phương liên quan trong tỉnh đang tích cực vào cuộc nhằm hiện thực hóa những con tàu vỏ thép cho ngư dân. Tuy nhiên hậu cần nghề cá để đội tàu xa bờ vươn khơi hiệu quả còn tồn tại nhiều hạn chế cần kịp thời tháo gỡ.

Với tình hình giá cả xuống thấp như hiện nay, người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang tăng cường sử dụng các phương tiện cơ giới trong một số công đoạn sản xuất và chế biến để tiết giảm tối đa chi phí đầu tư cho vườn cây, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) nên bộ mặt nông thôn nhiều nơi khởi sắc. Tuy ở một số địa phương còn khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, nhưng với sự chung tay, góp sức của chính quyền, người dân tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực phấn đấu sớm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Thời gian qua, đã có không ít hộ nông dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa thoát nghèo và có thu nhập khá, thậm chí vươn lên làm giàu nhờ phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS), góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Nhưng, giờ đây, những hình ảnh đó đã dần đi vào quá khứ. Bà Hứa Thị Ngãi, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), cho biết, thế hệ các cô gái trẻ hiện nay gần như không biết dệt thổ cẩm, bởi một phần do nhu cầu sử dụng sản phẩm thổ cẩm của bà con không còn nhiều như trước, họ lựa chọn các sản phẩm may sẵn, vừa tiện lợi, đẹp, rẻ mà lại hợp với xu thế.