Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ai Trồng Ca Cao?

Ai Trồng Ca Cao?
Ngày đăng: 24/11/2014

So với năm 2013, thị trường hàng hóa năm 2014 chứng kiến sự giảm giá sâu của nhiều mặt hàng nông sản. Chỉ 4 mặt hàng có giá tăng mạnh là hồ tiêu, cà phê, ca cao và thịt bò.

GIÁ CAO NHƯNG KHÔNG CÓ BÁN

Với mặt hàng ca cao, giá đã có xu hướng tăng từ tháng 6/2013 ở mức 2.200 USD/T lên 3.200 USD/T vào tháng 10/2014 khi dịch Ebola uy hiếp châu Phi và gây lo âu cho toàn thế giới. Cùng với sự giảm nhiệt của dịch Ebola, giá ca cao hiện đã giảm xuống 2.874 USD/T (giá ngày 20/11).

Song hành với thế giới, giá hạt ca cao tại thị trường VN cũng tăng, từ 45.000 đ/kg lên 62.000 đ/kg, và giá quả ca cao tươi tăng từ 4.000 đ/kg lên 5.500 đ/kg. Mức giá trên được ghi nhận là kỷ lục trong 4 năm qua, khi Việt Nam bắt đầu có những lô ca cao đầu tiên cung ứng cho công nghiệp sản xuất chocolate.

Giá cao đã làm cho nhiều hộ trồng ca cao có thêm khoản thu nhập khá từ 30-40 triệu/ha (trồng xen) lên 50-60 triệu/ha. Cùng với dừa (hoặc điều sắp tới), doanh thu từ 2 cây trong vườn đã đạt từ 100-120 triệu/ha, một con số tương đối cao so với một số cây trồng khác.

Tuy giá lên nhưng số người thu lợi lại rất ít. Bến Tre, thủ phủ của ca cao, từng có diện tích lên tới 10.600 ha vào năm 2012 nhưng đến giữa năm 2014 này chỉ còn lại khoảng 5.200 ha, Bình Phước từng có trên 1.200 ha nhưng hiện tại cũng chỉ còn khoảng 500 ha, Đăk Lăk dự kiến có diện tích ca cao đạt 6.000 ha vào năm 2015 nhưng hiện tại cũng chưa đầy 2.000 ha.

Không những giảm diện tích mà giảm cả năng suất do ca cao ít được chăm bón hơn.

"CÂY CỦA DỰ ÁN”

Không kể 2 lần theo chân người Pháp và Mỹ, sau năm 1975, cây ca cao từng có 2 lần xâm nhập ruộng đất phía Nam và cả 2 lần đều được gọi là “cây dự án” bởi khi hết dự án thì diện tích cũng giảm thê thảm.

Lần đầu vào thập niên 1980-1990, Quảng Ngãi từng có 3.000 ha ca cao và một nhà máy xay bột ca cao. Năm 1987, Đăk Lăk cũng từng có 1.000 ha. Sự thất bại của dự án ca cao lần 1 này được giải thích là do không có sự kết nối với thị trường thế giới, sản xuất ca cao không biết bán cho ai.

Lần 2 được xác định vào năm 1999, 2000 khi trường Đại học Nông Lâm TP.HCM được sự tài trợ của Danida và Quỹ ca cao thế giới nhập khẩu cây giống từ Malaysia xây dựng các mô hình trồng ca cao ở một số huyện của Đăk Lăk.

Sau đó chương trình được tiếp nối với sự tham gia của một số công ty chuyên thu mua chế biến ca cao như Cargill, Mars... Đến năm 2005, Bộ NN-PTNT thành lập Ban điều phối Ca cao VN và đến năm 2007 đưa ra mục tiêu định hướng phát triển 60.000 ha ca cao vào năm 2015 và 80.000 ha vào năm 2020.

Từ sau năm 2005, sau khi có sự tham gia chính thức của Bộ NN-PTNT, các nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác, khuyến nông được đẩy mạnh. Tuy nhiên kết quả không được như kỳ vọng, diện tích ca cao cực đại vào năm 2012 chỉ đạt 22.000 ha, sau đó giảm dần xuống chỉ còn khoảng 15.000-16.000 ha như hiện tại.

AI TRỒNG CA CAO?

Thị trường ca cao được đánh giá là bé nhưng lại rất nhạy cảm bởi đặc trưng của thị trường này là nước nghèo trồng cho nước giàu và với mức tiêu thụ bé nên một sự dao động về sản lượng dù nhỏ cũng gây nên sự biến động lớn về giá.

Tổng sản lượng hạt ca cao trên thế giới ước khoảng 4 triệu T, trong đó lớn nhất thuộc về Bờ Biển Ngà với 1,45 triệu T/năm, thứ nhì là Ghana khoảng 900.000 T/năm. Lịch sử giá ca cao thế giới cũng từng ghi lại mức cao kỷ lục 5.368 USD/T vào tháng 7/1977, cao gấp 25 lần so với mức giá thấp kỷ lục 211 USD/T vào tháng 7/1965.

Các tổ chức ca cao cũng như kinh tế thế giới đều nhận định giá ca cao trong thập niên tới sẽ tăng mạnh do tăng lực cầu ở 2 thị trường khổng lồ mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo nhu cầu năm 2020 sẽ là 5 triệu T. Vì vậy các nước có công nghiệp chế biến chocolate mạnh như Hà Lan, Bỉ, Mỹ đều đang xúc tiến các gói tín dụng cho việc mở mang diện tích ca cao ở châu Á.

Nếu giá cao và ổn định tối thiểu như năm 2014 này, Việt Nam chúng ta hội tụ được các điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển mạnh mẽ ngành hàng ca cao, mặt khác, tuy đi sau nhưng VN lại tiến bộ hơn nhiều nước về giống, kỹ thuật canh tác và khuyến nông.

Tuy nhiên điều cần xác định lại là: Thành phần kinh tế nào sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc trồng ca cao?

Với đặc điểm là cây trồng khó, đòi hỏi nước tưới, thâm canh, cần lao động có kỷ luật, kỹ thuật và thực tế của những “dự án” hơn 10 năm qua đã chứng tỏ cây ca cao không thể là cứu cánh xóa đói giảm nghèo, không thể ở vùng sâu vùng xa, không phải là cây trồng của nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chỉ là cây trồng của những trang trại có vốn liếng, biết đầu tư, kinh doanh nông nghiệp.

Chỉ khi xác định ca cao là cây làm giàu, lực lượng trang trại làm nòng cốt thì năng suất bình quân mới đẩy lên được 2-3 T/ha và ca cao mới thực sự bén rễ ở Việt Nam.

Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/ai-trong-ca-cao-post135014.html


Có thể bạn quan tâm

Nuôi thủy sản lồng, bè trên sông Chà Và cá bỏ ăn, chết rải rác Nuôi thủy sản lồng, bè trên sông Chà Và cá bỏ ăn, chết rải rác

Ông Huỳnh Văn Lành, một chủ nuôi cá lồng bè cho biết, trong thời gian từ giữa tháng 6 trở lại đây, hiện tượng cá chẽm, cá bớp và tôm kẹt bỏ ăn, yếu dần và chết rải rác xuất hiện ở các bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và. Hiện 500 lồng nuôi ở tiểu khu này đều có hiện tượng cá bỏ ăn, yếu và chết.

04/07/2015
Quỳnh Lưu (Nghệ An) thất thu tôm vụ 1 Quỳnh Lưu (Nghệ An) thất thu tôm vụ 1

Ngay từ đầu vụ thả tôm, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến hiện tượng tôm suy dinh dưỡng, chậm lớn, dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các địa phương đang tập trung nhanh cho việc thu hoạch tôm vụ 1 nhưng hầu hết các hộ nuôi đều cùng chung cảnh lao đao vì thất thu.

04/07/2015
Cá nổi đầu do nguồn nước ô nhiễm Cá nổi đầu do nguồn nước ô nhiễm

Chi cục Thủy sản Hậu Giang vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Vị Thủy tiến hành khảo sát thực tế để tìm hiểu nguyên nhân cá nổi đầu hàng loạt trên một số tuyến kênh thuộc địa bàn xã Vị Thủy; đồng thời tiến hành đo chỉ tiêu DO (oxy hòa tan) tại hiện trường và thu mẫu để phân tích một số chỉ tiêu chất lượng nước.

04/07/2015
Thả gần 20 nghìn con cá giống tại hồ Lưu Quang Thả gần 20 nghìn con cá giống tại hồ Lưu Quang

Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong kế hoạch phát triển chăn nuôi thuỷ sản huyện Đại Từ (Thái Nguyên) năm 2015. Theo đó, huyện sẽ thả 58.500 con cá giống (các loại: trắm, chép, trôi, mè) trên diện tích 15ha mặt nước của 3 hồ: Lưu Quang, xã Minh Tiến; Vai Cái, xã Văn Yên; Cầu Trà, xã Yên Lãng. Trong tháng 7 này, các đơn vị sẽ phối hợp để hoàn thành thả cá giống tại tất cả các hồ theo kế hoạch.

04/07/2015
Nhức nhối tình trạng tận diệt nguồn thủy sản Nhức nhối tình trạng tận diệt nguồn thủy sản

Với bờ biển dài gần 200km và có nguồn lợi thủy sản dồi dào, Bình Thuận hiện là một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các hoạt động khai thác, đánh bắt trái phép hải sản đang diễn ra phức tạp khiến vùng biển này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm môi trường, nguy hiểm đến tính mạng ngư dân.

04/07/2015