Agribank Bắc Kạn Ưu Tiên Vốn Lĩnh Vực Nông Nghiệp, Nông Thôn

Tăng được dư nợ thêm gần 100 tỷ đồng trong năm 2014 có thể coi là một thành công lớn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Kạn. Trong đó, vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70% đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn tỉnh.
Tổng nguồn vốn huy động năm qua của đơn vị đạt hơn 1.827 tỷ đồng, hoàn thành hơn 98% kế hoạch năm trong đó nội tệ chiếm hơn 1.815 tỷ đồng; ngoại tệ 541.000 USD. Đáng chú ý là nguồn huy động từ tiền gửi dân cư của toàn chi nhánh tăng trưởng khá với số tăng 105 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 7,3%, chiếm hơn 84% trong tổng vốn huy động. Tiền gửi dân cư tăng ở hầu khắp các huyện, thị xã đã bù đắp khoản giảm hơn 106 tỷ đồng từ tiền gửi Kho bạc do Kho bạc thực hiện thanh toán song phương.
So với chỉ tiêu tăng dư nợ trên 10% của toàn hệ thống, kết quả tăng trưởng 4,6% của Agribank Bắc Kạn trong năm 2014 là thấp. Tuy nhiên, đây vẫn là điều thành công đối với Agribank Bắc Kạn nếu như biết rằng trong 9 tháng đầu năm dư nợ của toàn chi nhánh mới chỉ đạt khoảng hơn 30 tỷ đồng. Trong những tháng cuối năm, doanh số cho vay của đơn vị đã có thăng tiến vượt bậc nhờ đó kết quả dư nợ tiệm cận con số tăng 100 tỷ đồng so với 2013.
Tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt hơn 2.089 tỷ đồng, bằng hơn 97% kế hoạch năm. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1.552 tỷ đồng, chiếm 74% tổng dư nợ. Dư nợ trung hạn và dài hạn chiếm đa số góp phần phát huy hiệu quả vốn vay dài hơi. Hiện tại, Agribank Bắc Kạn có 149 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ hơn 829 tỷ đồng; 5 khách hàng là hợp tác xã với dư nợ hơn 2,4 tỷ đồng; 15.822 khách hàng hộ sản xuất, cá nhân với dư nợ hơn 1.258 tỷ đồng.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, Agribank Bắc Kạn đã chủ động thực hiện cơ cấu nợ cho nhiều khách hàng gặp khó khăn. Tổng số khách hàng đã được cơ cấu nợ là 758 khách hàng với dư nợ hơn 458 tỷ đồng. Trong đó, có 711 hộ gia đình, cá nhân; 46 doanh nghiệp và 01 hợp tác xã.
Việc tăng trưởng tín dụng cao ở quý IV là nhờ vào nhiều giải pháp được Agribank Bắc Kạn triển khai quyết liệt. Chi nhánh đã thực hiện sản phẩm tín dụng mới với việc cho vay hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ đến 100 triệu đồng. Điều này đã giúp khách hàng giảm bớt thủ tục hồ sơ, chi phí cho vay. Đơn vị áp dụng lãi suất cho vay trung, dài hạn thấp hơn 10% mức sàn quy định đối với khách hàng trong 3 tháng đầu.
Hoạt động dịch vụ cũng có những tăng trưởng tốt khi đạt tổng doanh thu hơn 6,2 tỷ đồng. Dịch vụ thanh toán trong nước đã thực hiện 126.542 món; thanh toán hóa đơn 2.674 món; thu hộ ngân sách Nhà nước 7.800 món. Đơn vị hiện có 10 máy ATM (máy rút tiền tự động); 17 thiết bị EDC/POS (thiết bị đọc thẻ điện tử, thanh toán điện tử); tổng lượng thẻ ATM của đơn vị hiện là 31.236 thẻ. Nhóm dịch vụ MobileBanking có số lượng khách hàng cá nhân 18.605 người; 550 khách hàng doanh nghiệp.
Năm 2015, Agribank Bắc Kạn đặt mục tiêu huy động vốn nội tệ đạt 2.034 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 10%; tổng dư nợ cho vay 2.330 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,6%. Theo lãnh đạo Agribank Bắc Kạn, để huy động vốn thì một giải pháp chủ chốt là đẩy mạnh chăm sóc khách hàng; khơi tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn lãi suất thấp để bù đắp nguồn tiền gửi từ Kho bạc không được sử dụng.
Đối với tăng trưởng dư nợ, ưu tiên hàng đầu vẫn là tăng dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong đó chú trọng khách hàng hộ gia đình, cá nhân. Sản phẩm tín dụng cho vay theo hạn mức tín dụng đối với khách hàng là hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ đến 100 triệu đồng sẽ tiếp tục được tăng cường cho vay.
Có thể bạn quan tâm

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công nhận giống Lúa Cẩm Cai Lậy do Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lai tạo và 13 giống lúa do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo là "Giống cây trồng nông nghiệp mới" đồng thời chỉ đạo các sở nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức sản xuất thử nghiệm.

Bất kỳ chứng nhận nào, nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc, nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế?

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.

Hiện thanh long của Việt Nam được xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá khá tốt, đạt cao nhất trên 90.000 đồng/kí lô gam. Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, thuộc Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết như vậy tại hội nghị: “Phổ biến kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị thanh long và nhân rộng đối với sản phẩm trái cây khác”, được tổ chức tại Tiền Giang sáng ngày 17-10.

Chiều 23-10, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Võ Văn Út cho biết đã chuyển giao sản xuất thành công hơn 270 ha lúa siêu chịu mặn trên “cánh đồng chó ngáp” của huyện vốn xưa nay bỏ hoang hóa.