Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

60.000 đ/kg vải chín sớm vào Nam

60.000 đ/kg vải chín sớm vào Nam
Ngày đăng: 29/05/2015

Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hàng chục chuyến xe container chở vải từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tấp nập ra vào…

Giá bán trong mơ

Theo khảo sát của PV NNVN, tại một số chợ lớn như Hóc Môn, Bình Điền, Bà Chiểu, Bến Thành và nhiều cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, Phan Xích Long..., giá vải "xịn" đầu mùa được bán với giá 60.000đ/kg.

Nhìn mức giá này, người trồng vải tại các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang mừng như đang…nằm mơ. Đương nhiên, đây chỉ là giá bán tại thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất nước, nhưng chắc chắn nó sẽ tác động kéo giá bán tại vườn cho bà con nông dân.

Hiện trên thị trường TP.HCM đang tiêu thụ cùng lúc 2 loại vải khác nhau. Loại xịn là vải Thanh Hà có giá bán hơn 60.000đ/kg, còn một loại là vải dáng thon dài, có giá từ 35.000 - 40.000đ/kg nhưng chất lượng lại thua xa vải Thanh Hà.

 Loại này đa phần chỉ mới chín tới, vỏ vẫn còn màu xanh, không đỏ hồng, trái không tròn mà nhọn phần đuôi, ăn có vị chua chứ không ngọt sắc.

Chị Nguyễn Thị Phương, một tiểu thương kinh doanh trái vải lâu năm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, do đang ở thời điểm đầu mùa, sản lượng thu hoạch vải còn ít, giá trên thị trường đang ở mức đỉnh.

“Trước thông tin vải thiều được XK đi Úc, Mỹ, Hàn Quốc… nên các đầu mối cung cấp vải đều có dự báo giá vải khi vào vụ thu hoạch rộ cũng sẽ cao hơn năm ngoái từ 10 – 15 %. Hiện các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn có lượng vải về chưa nhiều nên các đại lý bán sỉ và lẻ phải cạnh tranh nhau mới gom đủ nguồn hàng cho mình”, chị Phương nói.

Sẵn sàng tiếp nhận vải chính vụ

Sang tháng 6, thị trường TP.HCM sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn tiêu thụ vải chính vụ. Ngay từ thời điểm này, nhiều chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh đã bố trí kế hoạch cho việc tiêu thụ mùa vải thiều năm nay.

Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết, trong số 60.000 tấn vải thiều tiêu thụ tại các tỉnh thành phía Nam thì lượng vải thiều giao dịch qua chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là 37.000 tấn, riêng thời điểm chính vụ là 27.000 tấn.

Để đảm bảo việc giao thương thông suốt và thuận tiện, ban giám đốc đã có những giải pháp hậu cần, lưu thông hàng hóa, đảm bảo các xe chuyên chở vải thiều ra vào chợ một cách nhanh nhất để đối lưu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang.

Cũng theo bà Thảo, trong năm 2015, ban giám đốc sẽ cung cấp danh sách tất cả các thương nhân, tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng này tại chợ, để người bán và người mua có thể gặp trực tiếp nhau thương lượng giá cả, cách thức vận chuyển, phương thức thanh toán. Qua đó, tăng cường mối liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Ban giám đốc chợ cũng sẽ thường xuyên thông tin về tình hình thị trường, giá cả tại chợ cũng như lưu lượng hàng hóa lưu thông, mức độ giải tỏa hàng hóa tại chợ cho Sở Công thương của hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang biết để chủ động hơn trong việc đưa nguồn hàng về TP.HCM tiêu thụ.

Anh Lê Hoàng Phong, đại diện cho chợ nông sản đầu mối Hóc Môn cho biết: “Trong vụ tiêu thụ vải thiều 2015 năm, bên cạnh việc mở rộng mặt bằng kinh doanh, ban lãnh đạo chợ đầu mối Hóc Môn cũng nới rộng thời gian buôn bán kinh doanh cho tiểu thương, bắt đầu từ 6h chiều hôm trước đến 6h chiều hôm sau.

Riêng trong thời điểm vải vào chính vụ, chợ Hóc Môn cho phép tiểu thương, thương nhân xuất hàng 24/24h. Ngoài ra, lãnh đạo chợ cũng sẽ cho nhân viên treo băng rôn, dán thông báo rộng rãi trên các lối dẫn vào chợ nhằm quảng bá trái vải thiều cho nhiều người dân được biết”.

Tiến tới xây dựng thương hiệu

Vải thiều là mặt hàng truyền thống trên thị trường TP.HCM hàng chục năm nay, tuy nhiên điều khiến cho người tiêu dùng trăn trở là khó kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của loại mặt hàng nông sản này.

“Làm sao tăng thêm thời gian cất giữ vải thiều trong kho, sẽ giúp các đơn vị trực tiếp đưa trái vải đến tay người tiêu dùng như siêu thị, cửa hàng, sạp trái cây thong thả hơn. Khi giải quyết tốt vấn đề này thì việc tiêu thụ vải thiều sẽ diễn ra suôn sẻ”, ông Nguyễn Hữu Toàn nói.

Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, các DN của hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang khi đưa vải thiều vào TP.HCM tiêu thụ cần phải rạch ròi hơn nữa trong việc gắn các nhãn mác và in các thông tin cơ bản của đơn vị sản xuất lên trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng TP.HCM biết được nguồn gốc, xuất xứ, an tâm hơn trong việc tiêu dùng.

Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhấn mạnh: “Phân loại sản phẩm, gắn mác hàng hóa là việc cần thiết để giúp người tiêu dùng thoát cảnh mua vải ở chợ trời, ăn quả vải cũng phải phân biệt được đâu là vải thiều Thanh Hà, Hải Dương, đâu là vải Lục Ngạn, Bắc Giang.

Chúng tôi hy vọng các tỉnh ngày càng có nhiều hơn nữa diện tích sản xuất vải thiều chất lượng cao theo tiêu chuẩn Vietgap, hướng đến phân khúc thị trường tiêu thụ dành riêng cho trái vải chất lượng cao, tránh lẫn lộn như hiện nay”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Toàn – Phụ trách thu mua nông sản toàn quốc của hệ thống siêu thị Saigon Co.op, lo lắng khâu vận chuyển và chuyện “đụng chợ” của quả vải. Do thời gian bảo quản trái vải rất ngắn, siêu thị khi nhập hàng vào buổi sáng phải bán hết trong ngày, thậm chí sau 3 giờ chiều là phải giảm giá, đẩy hàng đi.

Nếu không, trái vải sẽ đổi màu, giảm chất lượng, không bán được. Do đó, các DN khi đưa mặt hàng trái vải thiều vào TP.HCM cần chú trọng hơn nữa đến khâu bảo quản, làm sao tăng thêm thời gian cất giữ trong kho.


Có thể bạn quan tâm

Dak Lak Tạm Trữ Cà Phê Rủi Nhiều, May Ít Dak Lak Tạm Trữ Cà Phê Rủi Nhiều, May Ít

Khi giá cà phê trên thị trường có nhiều biến động (vào thời điểm đầu niên vụ thu hoạch thường có mức giá thấp và tăng lên ở những tháng giữa năm) là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và hộ tư nhân thu mua tạm trữ cà phê kiếm lời. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này nếu không nắm bắt thời điểm mua - bán và việc bảo quản cà phê thiếu hợp lý cũng dễ trở thành “dao hai lưỡi”…

22/09/2014
Mô Hình Phá Thế Độc Canh Cây Lúa Mô Hình Phá Thế Độc Canh Cây Lúa

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của ông Lê Thành Được, ngụ ấp Mỹ Lương, thị trấn Phú Mỹ là một trong 5 mô hình được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chọn làm thí điểm. Trên diện tích 324m2, nhà trồng rau được trang bị hệ thống phun tưới tự động, lên liếp trồng cải xanh và cải ngọt.

22/09/2014
Đà Nẵng Được Mùa Vụ Hè Thu Đà Nẵng Được Mùa Vụ Hè Thu

Nông dân Đà Nẵng đang rầm rộ xuống đồng thu hoạch vụ hè thu trong tâm trạng phấn chấn khi công sức của họ được đền đáp xứng đáng. Trên các cánh đồng lúa vàng rực, đều tăm tắp, bông chắc, hạt mẩy, nông dân không phải tất bật chạy đua với mưa lũ như các năm trước. Đã chấm dứt cảnh phụ nữ giăng hàng cúi gập mình trên ruộng gặt lúa mà đã có máy gặt đập liên hợp đảm nhận, nông dân chỉ việc chất những bao lúa to lên ô-tô chở về.

22/09/2014
Giá Bắp Sú Tim Cao Kỷ Lục Giá Bắp Sú Tim Cao Kỷ Lục

Hiện mỗi sào (1.000m2) bắp sú tim, nhà vườn thu về không dưới 40 triệu đồng/vụ tiền lãi sau khi đã trừ mọi chi phí đầu tư. Trong khi đó, các loại bắp sú thường khác có giá chỉ chưa tới 4.000đ/kg. Tuy vậy, với giá bán này người làm bắp sú cũng đã có lãi.

22/09/2014
Nông Dân Cà Mau Bất An Trước Vụ Mía Mới Nông Dân Cà Mau Bất An Trước Vụ Mía Mới

Cả tuần nay, ông Phan Công Định (ấp 11, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) đứng ngồi chẳng yên, lâu lâu lại lấy điện thoại hỏi người cháu đang công tác tại TP Cà Mau coi có thương lái nào quen thân chuyên thu mua mía ở miệt Cần Thơ, Hậu Giang mai mối giúp.

22/09/2014