25.000 đồng một khuôn tạo hình lạ cho trái cây

Một số công ty thiết bị nông nghiệp tại TP HCM đã sản xuất số lượng lớn khuôn nhựa tạo hình để phục vụ cho việc sản xuất trái cây có hình dáng lạ như bưởi, hồ lô, dưa hấu vuông, xe hơi, dâu trái tim, cà chua hình sao…
Tuy sản xuất công nghiệp nhưng giá thành cho 1 khuôn bằng nhựa dẻo lên đến 25.000-40.000 đồng.
Một khuôn nhà vườn có thể sử dụng được 2-3 lần.
Những chiếc khuôn được lồng vào trái khi còn nhỏ, khi lớn trái sẽ được định hình trong khuôn, tạo ra hình thù theo sở thích người trồng.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, giám đốc một công ty chuyên thiết kế bao bì nông sản ở quận Tân Bình cho biết, lúc trước để tạo hình lạ cho trái cây, nông dân phải tự thiết kế khuôn, việc này tốn nhiều thời gian và mẫu mã chưa đẹp.
Thấy được nhu cầu của nhà vườn ở miền Tây, công ty đã quyết định thiết kế và sản xuất đại trà nhiều mẫu khuôn có thể ứng dụng cho nhiều loại trái.
Theo ông Đạt, ngoài khuôn đẹp, muốn tạo hình trái cây thành công, nhà vườn phải ứng dụng những quy trình chăm sóc riêng để trái có hình dáng và màu sắc đẹp.
Riêng tháng 10, công ty đã xuất bán hơn 5.000 khuôn các loại, thị trường chủ yếu là các tỉnh miền Tây.
Giải thích nguyên nhân khuôn nhựa dẻo với chất liệu đơn giản lại có giá cao, ông Đạt phân trần, thực tế ngoài bán khuôn công ty còn kèm theo nhân viên trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng, theo dõi quá trình tạo hình cho trái ngay tại vườn.
So với giá trị trái bán ra gấp 10 lần giá thị trường thì chi phí đầu tư khuôn không quá cao.
Một trái ổi được tạo hình mục đồng thành công bằng khuôn nhựa trong.
Ông Sáu Hòa, nông dân huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết, trái cây bán Tết chuẩn bị vào vụ, để bán được giá cao hơn nhiều nhà vườn đầu tư khuôn tạo hình, chủ yếu là bưởi và dưa hấu.
Năm trước chỉ có vài vườn tạo hình cho trái, nhưng năm nay việc mua khuôn dễ dàng, công nghệ tạo hình không quá khó nên nhiều vườn không ngại đầu tư hàng nghìn khuôn, thuê cả kỹ sư nông nghiệp về để tạo hình lạ cho trái.
Ông Huỳnh Trinh, một kỹ sư nông nghiệp ở Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết, cách tạo hình không quá khó.
Nhà vườn chỉ cần cho trái còn nhỏ vào khuôn, theo dõi sự phát triển, kê trái sao cho ánh sáng trải đều không tối mặt.
Trong quá trình trái phát triển trong khuôn, người trồng phải thường xuyên kiểm tra cân chỉnh để tránh trường hợp bị móp.
Trong khi đó anh, Trần Văn Miệt, chủ một vựa chuyên cung cấp trái cây ở huyện Mỏ Cày, Bến Tre, cho biết, giá nông sản ngày càng giảm, việc tạo hình lạ cho trái giúp nông dân bán được với giá cao.
Nếu bán ở tỉnh giá cao gấp 5 lần, ở TP HCM, Hà Nội giá gấp 10, nhưng tạo hình cho trái không đơn giản, thành công 40% là đạt.
“Chi phí đầu tư cao, ngoài tiền khuôn phải tốn thêm công chăm sóc đặc biệt.
Nếu không có sự tính toán, tìm kiếm thị trường hợp lý, chủ vườn có thể bị thua lỗ, trái hình dáng lạ không còn hiếm như trước.
Từ mức giá vài triệu đồng một cặp bưởi hồ lô khi mới xuất hiện, nhưng hiện nay, chỉ có giá 400.000 – 800.000 đồng/cặp.
Tùy thuộc vào kích thước, mẫu mã, giá thu mua ở vườn còn rẻ hơn”, anh Miệt cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Do hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa vụ xuân hè không cao nên nhiều hộ gia đình ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang... đã thay thế vụ lúa xuân hè hoặc hè thu sớm bằng một vụ đậu nành sau khi thu hoạch lúa đông xuân.

Sau thắng lợi của vụ tôm năm 2011, năm 2012 diện tích thả nuôi tôm càng xanh mùa lũ ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã tăng lên. Cụ thể, năm 2012 toàn huyện có 185,66 ha thả nuôi tôm, tăng 34 ha tập trung các xã: Mỹ An Hưng B, Vĩnh Thạnh... Tuy nhiên, năm nay vụ tôm càng xanh mùa lũ ở huyện đạt năng suất thấp, nhiều hộ nuôi không có lời, thậm chí bị thua lỗ.

Do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường và giá bán trái cao nên thanh long ruột đỏ đang được nhà vườn đầu tư phát triển làm nhánh giống trở nên khan hiếm. Nhánh thanh long giống ruột đỏ nhà vườn bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/nhánh có kích thước từ 30 - 40 cm. Thương lái mua trái tại nhà vườn với giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, vào thời điểm hút hàng, giá cao nhất là 52.000 đồng/kg.

Xu hướng nông nghiệp đô thị ngày càng phát triển, tiếp thu những ứng dụng hiệu quả trong chăn nuôi, trang trại (TT) ông Trần Văn Lý (ấp 1, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) đã bắt đầu ứng dụng đệm lót sinh học trong nuôi heo, góp phần tích cực vào việc hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh về giá thành.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có từ 40-60 sản phẩm địa phương được thương mại hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các nghề nuôi, trồng đưa những loại đặc sản trở thành thương phẩm trên thị trường. Trong số đó, có nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất (Hoành Bồ).