20 Triệu Đồng Một Gốc Đinh Lăng 62 Tuổi Ở Hà Nội

Có tuổi đời hơn 60 năm, gốc đinh lăng được người chủ buôn bán với giá 20 triệu đồng cho một khách ở Quốc Oai, Hà Nội.
Anh Đỗ Tiến Hùng quê ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội làm nghề bán đinh lăng gần 10 năm nay. Gần đây, anh Hùng mua được gốc đinh lăng có tuổi đời 62 năm với giá gần 10 triệu đồng, sau đó anh bán lại cho một khách quen với giá 20 triệu đồng.
Gốc đinh lăng nặng 29 kg, được mua tại một vườn nhà dân ở Ba Vì, Hà Nội. Trong ngày dỡ cây này, nhiều khách hàng của anh Hùng đã gọi điện trả giá 10 - 17 triệu nhưng anh không bán. Sau đó, anh nhận lời bán cho một khách quen cùng quê với giá 20 triệu đồng. "Gốc đinh lăng có tuổi đời mấy chục năm không dễ gì mua được. Hơn nữa gốc rất đẹp, màu sáng, bán giá 20 triệu đồng cho khách quen cùng làng. Thực tế gốc đinh lăng này có thể bán mức giá 40 - 50 triệu đồng", anh nói.
Gốc cây này có tuổi đời 62 năm, thân cao hơn 3m, rễ dài. Người khách mua về ngâm cùng 450 lít rượu nếp. Anh Hùng cho biết, anh cũng là người trực tiếp nấu rượu phục vụ cho khách của mình, mỗi lít rượu nếp giá bán 45.000 đồng.
Anh Hùng thường đi các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam,...cho đến Hà Giang, Mộc Châu để mua những gốc đinh lăng về đi bán dạo hoặc đổ buôn cho những đại lý thuốc ngâm, thuốc bắc. Theo anh, giá trị gốc đinh lăng được tính theo tuổi đời và màu sắc của rễ.
Gốc càng lâu năm càng đắt tiền. Thường 1 gốc đinh lăng có tuổi đời 2 - 3 năm giá từ 200.000 đến 300.000 đồng, 5 năm giá khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng, những gốc trên 10 năm giá lên đến tiền triệu. Tuy nhiên, những gốc lâu năm ngày càng hiếm.
Theo anh Hùng, làm nghề săn lùng và bán đinh lăng cũng nhờ may rủi. Ngày nào may mắn thì mua được gốc đẹp, giá trị cao. Gốc trên 50 năm rất hiếm, gốc 15 - 20 năm phổ biến hơn, giá dao động 8 - 10 triệu đồng/gốc.
Khách mua gốc đinh lăng chủ yếu là người có thu nhập khá, thường độ tuổi trung niên, mua về ngâm rượu, gốc nhỏ để nấu nước uống. Tuỳ vào khách thương lượng mà người buôn thu được lời. "Có những gốc mình chỉ mua vài trăm nghìn nhưng bán giá tiền triệu. Trong khi, những gốc mua giá cao chỉ lãi không đáng kể. Riêng những hàng độc, hiếm, gốc thọ có thể lời tiền triệu hoặc chục triệu là chuyện thường", anh Hùng nói.
Anh Trung, bán cây cảnh ở Hà Nội cho biết, trước cũng một thời gian buôn đinh lăng. "Nhưng trong số những anh em bán hàng thuê với nhau, chỉ có 'Hùng đinh lăng' là buôn được nghề này, anh lùng gốc lăng rất giỏi", anh Trung chia sẻ.
Cây đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá, là cây gỗ nhỏ, không lông, không gai. Do có những tính chất như nhân sâm nhưng là loại cây dễ trồng, dễ tìm nên người dân có thể trồng và sử dụng. Danh y Hải Thượng Lãn Ông từng gọi cây đinh lăng là "cây Sâm của người nghèo". Thân, rễ đinh lăng thường để ngâm rượu hoặc sắc nước uống.
Có thể bạn quan tâm

Nghề nuôi nhím sinh sản một thời hái ra tiền, “một vốn bốn lời”, “buôn tài không bằng xài lông nhím”. Nhà nhà đua nhau nuôi nhím.

Đậu tương vốn là cây trồng tưởng chỉ xuất hiện ở vụ đông nhưng Hà Nội đang đi tiên phong trong phát triển đậu tương hè với năng suất và hiệu quả kinh tế thực sự gây ấn tượng…

Hà Nội có rất nhiều giống nhãn muộn nhưng phổ biến là HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm là quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình 50 - 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác tới 30 - 45 ngày.

Nhiều giải pháp kỹ thuật trong SX vụ đông đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) giới thiệu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả SX nông sản.

Bà con dân tộc ở 2 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk (nói chung) và người dân thôn C3, xã DLieYang, huyện EaHleo, Đăk Lăk (nói riêng) vẫn còn lâng lâng vì thu nhập cao từ trồng bí đỏ bằng giống Suprema của Cty Hai mũi tên đỏ.