Thống kê / Thống kê nông sản

Giá dưa hấu giảm trở lại

Tác giả: Hương Nguyễn
Ngày đăng: 22/08/2019

Sau một thời gian ở mức khá cao, giá dưa hấu tại Tp.Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL giảm mạnh trở lại từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cách đây 2 tuần.

Hiện các loại dưa hấu thông thường như dưa thành long, tiểu long, hắc mỹ nhân, dưa hấu đường... được nhiều nông dân bán buôn cho thương lái chỉ còn ở mức 4.000 - 4.500 đồng/kg, giá bán lẻ trên thị trường khoảng 5.000 - 8.000 đồng/kg, tùy loại. Giá dưa hấu hạt lép ở mức 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá giảm do đang bước vào thu hoạch rộ, nguồn cung tăng, trong khi đó cầu mua dưa hấu trên thị trường lại có xu hướng giảm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của trời mưa bão làm nhu cầu tiêu thụ dưa trên thị trường giảm; chất lượng trái dưa cũng giảm. Theo nhiều nông dân trồng dưa hấu ở TP Cần Thơ, với giá bán hiện nay nông dân vẫn có lời nếu năng suất ruộng dưa đạt từ 3-4 tấn/công trở lên.

Trung Quốc với khoảng cách và vị trí địa lý không xa, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực các mặt hàng rau, củ quả của Việt Nam. Hiện có 9 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bao gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Ngày 26/4/2019, hai nước đã ký Nghị định thư về mở cửa thị trường cho trái măng cụt và Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Tháng 5/2018, phía Trung Quốc phát đi thông tin sẽ siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như thông qua chủ hàng. Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói.

Đây là 2 yêu cầu xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.

Với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.

Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo đến tất cả các tỉnh và cơ sở đóng gói để chủ động thực hiện khi phía Trung Quốc yêu cầu.

Được biết, những năm gần đây sản lượng dưa hấu tại Trung Quốc tăng mạnh, từ 72 triệu tấn năm 2013 lên 77,5 triệu tấn năm 2016. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong giai đoạn từ 2015 - 2020 mỗi năm Trung Quốc sẽ tăng thêm khoảng 1% (khoảng 2,2 triệu ha) diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới nữa. Song song với đó, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược sản xuất dưa hấu quy mô, diện tích lớn, cũng nhằm vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán mới thu hoạch khiến lượng cung ra thị trường tăng rất mạnh.

Chính vì nguồn cung nội địa tăng mạnh dẫn tới giá dưa hấu trên thị trường bị giảm sâu. Diễn biến trên gây bất lợi rất lớn cho dưa hấu Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhất là trong bối cảnh dưa hấu Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của dưa Lào và Myanma. Không những bị cạnh tranh về giá rẻ, mà dưa hấu của Lào và Myanma có quả nhỏ vừa phải (trọng lượng chỉ từ 3-4kg) được coi là phù hợp hơn với thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc.


Có thể bạn quan tâm