Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Yên Sơn (Tuyên Quang) Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản

Yên Sơn (Tuyên Quang) Phát Triển Chăn Nuôi Thủy Sản
Ngày đăng: 22/09/2014

Để phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, nhân lực... góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, UBND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung mở rộng diện tích, đa dạng hình thức nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Diện tích, năng suất và sản lượng thủy sản nuôi trồng đều tăng qua các năm. Riêng năm 2013, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt trên 622 ha, tăng gấp đôi so với năm 2010 (trong đó, diện tích nuôi ao, hồ trên 455 ha; diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa là 176 ha), sản lượng đạt gần 2.530 tấn.

Đối tượng nuôi thuỷ sản đa dạng, ngoài nhóm cá truyền thống (trắm cỏ, mè, trôi,…), các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao đang dần được nhân rộng như cá trắm đen, cá chép lai, cá rô phi đơn tính... Sản xuất thủy sản của Yên Sơn phát triển mạnh ở cả loại hình ao, hồ và nuôi trên ruộng trũng.

Xã Hoàng Khai phát triển nuôi trồng thủy sản khá hiệu quả, với 3 hồ lớn là Hoàng An Lưỡng, Con Cò, Trầm Bùng và 45 ha mặt nước ao hồ nhỏ; những năm qua, doanh thu từ nuôi trồng thủy sản của xã đạt trên 25 tỷ đồng/năm, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Khai Bùi Xuân Thái cho biết: Tận dụng mặt nước, xã có trên 300 hộ nuôi trồng thủy sản, sản lượng trên 850 tấn/năm, tạo việc làm cho 800 lao động.

Hiện nay nghề nuôi cá phát triển nhiều nhất ở 3 thôn là Núi Cẩy và Yên Mỹ I, Yên Mỹ II với 100 hộ, chăn nuôi theo hướng kết hợp nuôi cá giống, cá thịt đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; điển hình như gia đình ông Vũ Ngọc Chén, Nguyễn Công Tịch, thôn Yên Mỹ I; Nguyễn Tiến Lâm, Đỗ Thế Toàn, thôn Yên Mỹ II…

Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, hiện nay tỷ lệ hộ có mức sống khá, giàu chiếm 50%; số hộ nghèo đã giảm xuống còn 64 hộ, bằng 4,4%.

Xã Nhữ Khê có 6 ha mặt nước, tập trung ở thôn Cây Thị và Cây Sim. Những năm gần đây, người dân đã phát triển chăn nuôi thủy sản, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Thôn Cây Sim có 58 hộ thì có trên 20 hộ chăn nuôi cá thương phẩm.

Anh Lê Văn Hổ, trưởng thôn Cây Sim cho biết: Nuôi cá thương phẩm là thế mạnh trong phát triển kinh tế của thôn, mỗi năm thu trên 1 tỷ đồng; nhiều hộ khá lên từ nuôi cá như gia đình chị Đinh Thị Tuyết, anh Phạm Văn Đệ...

Để nuôi cá thương phẩm thành hàng hóa, thôn đã thành lập “nhóm có cùng sở thích nuôi cá thịt” để chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cũng như nâng cao chất lượng, sản lượng cá thương phẩm của thôn. Chị Đinh Thị Tuyết, trưởng nhóm cũng đồng thời là một trong những người nuôi cá hiệu quả nhất thôn Cây Sim với 6 sào ao, mỗi năm chị thu trên 100 triệu đồng. Hiện nay, chị đang nuôi rô phi đơn tính và trắm cỏ.

Chị Tuyết cho biết: “Nhóm có 10 hộ, diện tích mặt nước từ 3 sào trở lên tham gia. Thành viên của nhóm chia sẻ kinh nghiệp, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, đặc biệt là cùng nuôi một giống cá để tạo ra sản lượng nhiều, dễ tiêu thụ chứ không chăn nuôi manh mún như trước đây, mạnh ai người nấy làm, một ao thả nhiều loại cá, khiến việc chăm sóc khó, sản lượng không cao”.

Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh và bền vững, Yên Sơn chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, hồ; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các dự án đã và đang triển khai; chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thuỷ sản, xây dựng mô hình trình diễn...


Có thể bạn quan tâm

Tất bật vụ rau Tết Tất bật vụ rau Tết

Để chuẩn bị có đủ lượng rau màu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới, các gia đình nông dân trồng rau màu trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang khẩn trương dọn đất, xuống giống để bước vào vụ sản xuất mới.

26/11/2015
Chủ động bảo vệ lúa đông xuân Chủ động bảo vệ lúa đông xuân

Năm nay, lũ nhỏ nên các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang, mất một lượng phù sa màu mỡ, nông dân gặp khó trong việc vệ sinh đồng ruộng, khó có thể cắt nguồn bệnh từ vụ lúa thu đông…

26/11/2015
Giá củ hành tím tăng gần 10.000 đồng/kg Giá củ hành tím tăng gần 10.000 đồng/kg

Theo lãnh đạo UBND xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh từ đầu năm 2015 đến nay, nông dân trong xã đã xuống giống 160ha củ hành tím.

26/11/2015
Loại khỏi danh mục 368 tên thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây rau, quả, chè Loại khỏi danh mục 368 tên thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây rau, quả, chè

Bắt đầu từ ngày 23/11, Thông tư 34 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực loại bỏ khỏi danh mục 368 tên thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây rau, quả, chè.

26/11/2015
Xây dựng 40ha cánh đồng mẫu dưa bao tử Xây dựng 40ha cánh đồng mẫu dưa bao tử

Vụ đông năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế (Bắc Giang) tiếp tục xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất dưa bao tử quy mô 40 ha tại thôn Tiến Trung và Tiến Bộ, xã Tiến Thắng.

26/11/2015