Xuống Biển Bắt Tôm Hùm Giống

Bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, khi trời êm, biển lặng, tôm hùm giống tập trung nhiều ở các rạn đá, san hô, lại được giá, một số ngư dân làng biển thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) lại sửa soạn đồ nghề chuẩn bị cho một mùa bắt tôm hùm giống…
Độc chiêu bắt tôm hùm giống
Nếu như ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi hay một số vùng biển khác, ngư dân đi bắt tôm hùm giống bằng lưới và chủ yếu đi vào ngày gió to, biển động thì ở vùng biển Cửa Tùng lại hoàn toàn khác. Với đặc điểm có nhiều rạn đá và san hô nên việc bắt tôm hùm giống chỉ thực hiện bằng tay và khi trời yên, biển lặng, nước trong thì người thợ lặn mới bắt đầu ngày làm việc của mình.
Khác với nghề mực, nghề câu..., ngư dân cần phải sắm thuyền to, máy lớn, số lượng thuyền viên đông, thì nghề lặn tôm hùm giống chỉ cần một đoạn ống chuyển khí, mắt kính lặn, một nịch dây bằng chì (nặng 10 - 12 kg), một chiếc tăm xe đạp, một chai nhựa và 2-3 thuyền viên là đủ.
Anh Nguyễn Đức Hiển, ở khu phố Hòa Lý, thị trấn Cửa Tùng có thâm niên trong nghề lặn hơn 10 năm và cũng là người có tiếng lặn giỏi nhất trong vùng cho biết: Tôm hùm giống rất nhỏ và nhanh nhẹn, người thợ lặn phải thật tinh ý phát hiện, khi tôm núp trong các kẽ đá, các lỗ nhỏ người thợ lặn dùng cây tăm xe đạp chọc vào, các con tôm thấy động và bung ra. Thợ lặn phải nhanh tay chộp lấy và cho vào chai nhựa mang theo bên mình.
6 giờ sáng là thời gian cho một ngày làm việc mới. Khi thuyền đến các rạn đá, nếu thuyền nào có 3 thợ lặn, thì mỗi lần lặn 2 người trong vòng 30 - 40 phút, cứ như vậy các thợ lặn thay phiên nhau liên tục để có thời gian nghỉ ngơi. Đến 15 giờ chiều là lúc các thợ lặn tập trung về bến mang theo niềm vui của một ngày làm việc mệt nhọc.
Trung bình mỗi thuyền bắt được từ 35-40 con/ngày, tùy theo mỗi loại tôm giống mà có giá khác nhau. Anh Nguyễn Văn Thanh, ở khu phố Hòa Lý, thị trấn Cửa Tùng, cho biết: “Có 3 loại tôm hùm giống: tôm sao, tôm xanh và tôm trắng. Tôm sao có giá cao nhất 160.000 đồng/con; tôm xanh chỉ có giá 80.000 đồng/con; còn tôm trắng 20.000 đồng/con. Ai cũng biết nghề này rất nguy hiểm nhưng giá thành cao nên tính trung bình anh em chúng tôi sau khi bán xong cũng được chia hơn một triệu đồng/người/chuyến”.
Đánh cược với “thủy thần”
Thị trấn Cửa Tùng có gần 500 người làm nghề khai thác thủy hải sản, thế nhưng những người lặn bắt tôm hùm thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo những lão ngư ở đây, nghề lặn bắt tôm hùm giống không phải ai cũng làm được, công việc này chỉ dành cho những thanh niên khỏe mạnh, mắt thật tinh tường mới phát hiện được mấy cọng râu tôm ló ra ngoài rạn đá. Do tôm hùm có đặc tính bám vào các rạn đá nên trong quá trình lặn, ngư dân bị sóng hất, đẩy va vào đá ngầm là chuyện bình thường, hay ống dẫn khí bị vướng vào đá bị rạn nứt làm hụt hơi.
Đôi khi, vì quá liều lĩnh mà lặn sâu nên nhiều ngư dân bị sức ép của nước làm nổ màng nhĩ, trào máu tai, bị chuột rút vì ngâm người lâu dưới nước, không ít trường hợp thợ lặn bị tử vong hoặc bị liệt hai chân vì sự thay đổi áp suất đột ngột khi từ dưới biển sâu trồi lên thuyền.
Với những người thợ lặn, chấp nhận xuống biển là chấp nhận đánh cược với mọi thứ, từ sức khỏe cho đến tính mạng. Anh Nguyễn Văn Hoàn, ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề lặn đã 5 năm nay. Thu nhập từ nghề lặn khá cao nhưng sức khỏe tôi ngày càng giảm sút, tay chân thỉnh thoảng lại tê cứng không cử động được, nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ nghề nhưng bỏ thì lấy gì để mưu sinh, thôi thì được đến đâu hay đến đó”.
Bao đời nay, nghề nào nghiệp nấy, những người thợ lặn cũng có cái “nghiệp” của họ. Để xây đắp cuộc sống no ấm cho gia đình, họ bám nghề, không quản hiểm nguy, tiếp tục bươn chải trong cuộc mưu sinh cùng biển…
Có thể bạn quan tâm

Với lợi thế thời gian nuôi ngắn và sản lượng cao, cùng với giá cả liên tục tăng cao, tôm chân trắng đã được nông dân chọn làm đối tượng nuôi công nghiệp. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau chưa sản xuất được con giống thẻ chân trắng. Ngành chức năng chưa ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng kiểm tra chất lượng giống tôm chân trắng. Vì thế, người nuôi tôm có nguy cơ thiếu nguồn tôm giống chất lượng.

Tại các bến bãi của xã, một không khí nhộn nhịp và đông đúc chưa từng thấy. Những con đường dẫn vào bãi sò tắc nghẽn liên tục vì lượng sò ngư dân vận chuyển quá lớn. Trên bãi sò, hàng trăm lao động tất bật chen nhau vận chuyển, phân loại, cạy tách vỏ sò. Các bãi sò ở Chí Công liên tiếp, nối liền nhau như một đại công trường khai thác hải sản.

Vụ chiêm xuân 2013 – 2014, toàn tỉnh gieo cấy 8.273ha, đạt 98,25% kế hoạch. Để đảm bảo nước tưới cho lúa chiêm xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp cung cấp nguồn nước, kịp thời cho cây lúa.

Không chỉ có vậy, trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp tại miền Trung nói chung và Việt Nam nói riêng còn phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các thương lái nước ngoài, khi họ trực tiếp đến các cảng cá thu mua nguyên liệu mà hoàn toàn không chịu thuế.

Ngoài hàng loạt khó khăn như chi phí tăng cao, ngư trường không ổn định đã ảnh hưởng đến nghề khai thác, những chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa luôn canh cánh với nỗi lo bị ép giá. “Được mùa” nhưng lại mất giá và hiện nay là tình trạng ép giá; ngư dân đánh bắt cá ngừ đang còn gặp rất nhiều khó khăn đầu ra cho sản phẩm.