Xung Quanh Thông Tin Về Rau An Toàn Ba Chữ Đừng Để Người Nông Dân Chịu Thiệt

Những ngày qua, sau khi có thông tin về Công ty TNHH Sản xuất Chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (gọi tắt là Công ty Ba Chữ), xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội lấy rau không rõ nguồn gốc bán cho các siêu thị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc.
Dù chưa có kết luận cuối cùng, song thông tin này đã khiến cho nhiều nông dân trồng rau tại Vân Nội bị thiệt hại đáng kể vì không bán được rau.
Thất thu vụ Tết
Về vùng rau xã Vân Nội thời điểm này có thể thấy rõ nỗi buồn hiện lên trên gương mặt nhiều người nông dân, bởi dịp Tết đã bắt đầu nhưng đầu ra của rau khá chậm và giá bán giảm mạnh. Bà Lê Thị Trinh, ở thôn Nhì, xã Vân Nội cho biết, với 3 sào trồng rau, lâu nay, gia đình bà ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Ba Chữ.
Tuy nhiên, từ khi công ty này bị các siêu thị ngừng nhập hàng, đầu ra sản phẩm của gia đình bà đã chững lại. “Không chỉ thế, bây giờ mang rau cải chíp ra chợ chỉ bán được giá 4.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với trước” - bà Trinh cho biết. Cùng tâm trạng lo lắng, chị Nguyễn Thị Hình, ở thôn Nhì chia sẻ, toàn bộ thu nhập dịp Tết của gia đình trông vào 6 sào rau.
Bình thường, chị vẫn ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Ba Chữ với giá ổn định trong vòng một năm. Tuy nhiên, từ khi DN này ngừng thu mua, toàn bộ đầu ra phụ thuộc vào thương lái ngoài chợ, dù rau được sản xuất theo quy trình an toàn. Thậm chí, có ruộng rau cải ngồng của gia đình chị phải để ra hoa vì giá bán quá rẻ.
Theo UBND xã Vân Nội, cả xã hiện có 109ha sản xuất RAT, trong đó có 19 HTX, công ty đủ điều kiện sản xuất RAT và 14 công ty, HTX đủ điều kiện sơ chế RAT. Lượng rau, củ, quả của các HTX, công ty cung cấp cho các đại lý, siêu thị có uy tín trên thị trường Hà Nội và các tỉnh lên tới hàng ngàn tấn mỗi năm.
Lãnh đạo xã Vân Nội cho biết, ngay khi có thông tin lùm xùm về Công ty Ba Chữ, việc tiêu thụ RAT trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Giá rau giảm mạnh, như su hào, súp lơ chỉ 300 đồng/củ… “Xã có 12.000 dân thì khoảng 10.000 người có thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Với giá rau như hiện tại, nhiều hộ có khả năng không có thu nhập Tết” – một lãnh đạo xã Vân Nội chia sẻ.
Đảm bảo quyền lợi cho dân
Để làm rõ thông tin, mới đây, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với UBND xã Vân Nội và Công ty Ba Chữ. Tại buổi làm việc, bà Lại Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Công ty Ba Chữ cho biết, với diện tích 6,3ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất RAT, sản lượng cung ứng của Công ty cho các siêu thị (BigC, Metro, Lotte Đống Đa, Co.opmart Hà Đông…) trung bình khoảng 1 - 1,5 tấn/ngày.
Ngoài ra, Công ty còn liên kết với 5 HTX trên địa bàn các xã Vân Nội, Tiên Dương và Bắc Hồng để nhập thêm khoảng 200 - 300kg/ngày. Phía Công ty đã xuất trình được hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ. Chủng loại rau của Công ty cũng tương đồng với thông tin cán bộ bảo vệ thực vật địa phương cung cấp. Bà Huyền còn khẳng định, chiếc xe BKS 29Y – 6014 được cho là lấy rau từ chợ đầu mối Minh Khai đưa đi phân phối ở siêu thị không phải của Công ty.
Theo ông Trương Văn Côi – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Phán, xã Vân Nội, đơn vị cung ứng rau cho Công ty Ba Chữ, toàn bộ hơn 300 hộ sản xuất trong HTX đều được tập huấn kỹ thuật sản xuất RAT đầy đủ.
Ở một góc độ khác, đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, sau khi có thông tin Công ty Ba Chữ đưa rau không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ tại một số siêu thị, Chi cục đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 33 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã đến kiểm tra tại siêu thị Metro Thăng Long. Trong siêu thị có bày bán cả rau có dán tem của Công ty Ba Chữ và rau không dán tem xuất xứ sản phẩm. Đồng thời, đoàn kiểm tra đã lấy 4 mẫu rau 6 chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật cơ bản, cả 4 mẫu đều đảm an toàn.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, về cơ bản, cả phía Công ty Ba Chữ và UBND xã Vân Nội đã cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ và quản lý Nhà nước về RAT.
Hiện, Thanh tra đang tiếp tục thẩm định, đánh giá nhằm làm rõ thông tin để có kết luận cuối cùng, đảm bảo cho người nông dân có thể tiêu thụ được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm RAT. Đoàn thanh tra cũng lưu ý, mặc dù đã có sự thay đổi đáng kể về vị trí, diện tích sản xuất RAT, tuy nhiên, tại buổi làm việc, phía UBND xã Vân Nội chưa đưa ra được bản đồ diễn biến thay đổi của các vùng rau.
Nếu công ty, HTX nào làm sai, UBND xã sẽ có công văn đề nghị sở, ngành, cơ quan chức năng xử phạt nghiêm và thu hồi các giấy phép sản xuất, kinh doanh RAT để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu của cả vùng rau Vân Nội. Ông Trần Văn Thoan - Chủ tịch UBND xã Vân Nội.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2011, Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật (CLB KHKT) xã Song An (thị xã An Khê) được thành lập, trở thành cầu nối trung gian giúp nông dân tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Không chỉ vậy, CLB còn là nơi giúp đỡ, hỗ trợ nhà nông về phân bón, thức ăn chăn nuôi trả chậm.

Tát Ngà là một trong những xã có diện tích gieo trồng cao của huyện với 161 ha, thời tiết thuận lợi như hiện nay, nhiều diện tích lúa mùa sớm của xã đã chín rộ, nhân dân đang tích cực thu hoạch. Cùng với các hộ dân khác trong thôn, vụ này gia đình anh Trần Văn Pảo thôn Tát Ngà gieo cấy được trên 30 kg giống.

Nằm sâu dưới chân núi trên địa bàn thôn Bản Chang, một trong những thôn, bản xa nhất và khó khăn nhất của xã Quảng Ngần (Vị Xuyên), cơ sở HTX chè xanh Sáng Thu đang nỗ lực xây dựng cho cây chè Quảng Ngần một thương hiệu mang tên chè xanh Shan tuyết Sáng Thu.

Tỉnh ta cũng đã thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành NN với mục tiêu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển NN, nông thôn (NT) bền vững cả về KT-XH và môi trường; tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm NN hàng hóa chủ lực; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân NT, góp phần giảm nghèo bền vững, gắn với mục tiêu thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM...

Sản xuất trong điều kiện khó khăn, nhưng sản phẩm vụ đông bao giờ cũng cho giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần cây lúa. Xây dựng vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, chuyển từng bước tư duy lẫn hình thức sản xuất của người nông dân từ truyền thống sang hàng hóa trên cơ sở nhu cầu thị trường đang là sự lựa chọn của nhiều địa phương ở Hà Tĩnh…