Xứng Danh Chất Lượng Vàng Thủy Sản Việt Nam

HTX Thủy sản Nam Sơn (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) được thành lập từ tháng 6-2008 với chức năng nuôi trồng và cung ứng các loại cá giống, cá thương phẩm, cá bố mẹ. Với phương châm: “lấy chất lượng là tiêu chí hàng đầu”, sau gần 5 năm hoạt động, HTX đã trở thành cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản có uy tín, được người nuôi trồng thủy sản trong, ngoài tỉnh tin tưởng, là địa chỉ cung ứng giống thủy sản hàng đầu của tỉnh.
Đến HTX Thủy sản Nam Sơn, chúng tôi được tận mắt thấy khu vực sản xuất với diện tích 3,5 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 3 ha được bố trí rất khoa học với 12 ao nuôi lớn nhỏ khác nhau có đầy đủ hệ thống phụ trợ như máy quạt nước, máy sục khí, máy bơm cấp thoát nước...
Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Thân đưa chúng tôi tham quan khu nhà cho cá đẻ nhân tạo được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như bình Weys (bình vây), khu bể ấp trứng cá rô phi, hệ thống cấp nước, sục khí bảo đảm hiệu quả cao nhất trong quá trình cho cá sinh sản nhân tạo, các ao nuôi ươm cá bột, cá hương, cá bố mẹ...
Ông Thân kể: “Ngay từ khi thành lập HTX đã xác định rõ mục tiêu sản xuất là cung cấp con giống có chất lượng cao tới người nuôi trồng thủy sản, trong đó tập trung chính vào hai đối tượng là cá chép lai và rô phi đơn tính. Để đáp ứng yêu cầu cung ứng con giống, hàng năm HTX không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Nhận thấy, những năm qua cá rô phi đơn tính và chép lai là những đối tượng được nuôi thả phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ... do có nhiều ưu điểm vượt trội, sức chống chịu tốt, tốc độ sinh trưởng, phát triển nhanh, giá trị kinh tế cao, HTX đã tập trung đầu tư nghiên cứu đưa cá rô phi đơn tính, cá chép lai giống trở thành thương hiệu riêng cho mình.
Hiện tại HTX đang nuôi giữ đàn cá chép, cá rô phi bố mẹ do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I chuyển giao với tổng sản lượng khoảng 10 tấn, trong đó đàn cá chép bố mẹ với sản lượng khoảng 3 tấn, đàn cá rô phi bố mẹ với sản lượng khoảng 7 tấn. Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế, song bằng sự nỗ lực, quyết tâm của mình, năm 2009 HTX đã bắt đầu cung ứng những lô cá giống đầu tiên với chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT, được người nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Từ đó uy tín, chỗ đứng của HTX trên thị trường dần được khẳng định, số lượng con giống sản xuất qua các năm không ngừng nâng lên.
Mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 30 triệu con cá giống các loại, trong đó khoảng 15 triệu cá bột, 10 triệu cá hương và 5 triệu con cá giống. Đa phần cá giống các loại của HTX cung cấp cho các hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh và một số đơn vị, cá nhân của các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ...
Với những kết quả trong hoạt động sản xuất, cung ứng giống thủy sản, HTX Thủy sản Nam Sơn đã hai lần được bình chọn danh hiệu: “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam”, được Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển thủy sản.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Tài chính cho biết, sau 1 năm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố với 160.787 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm, trong đó có 85% hộ nghèo.

Ngoài phát triển cây cà phê, huyện Mường Ảng còn chú trọng hướng tới một nền sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao bằng việc áp dụng những giống lúa mới thích hợp với điều kiện khí hậu của vùng, đặc biệt là lựa chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả cao.

Ông Trần Bá Đề, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: Chỉ cách đây vài năm, Noong Hẹt là xã thuần nông. Xác định mục tiêu để phát triển kinh tế là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp để xây dựng nông thôn mới nên việc học nghề và đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn đã được xã Noong Hẹt quan tâm và phát triển.

Với lợi thế về đất đai, đồi rừng, ao hồ, sông suối và nhất là nguồn lao động trong nông thôn dồi dào, tỉnh Điện Biên xác định tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm... góp phần xoá đói giảm nghèo cho dân.

Cùng với một số huyện trên địa bàn tỉnh, dự án Danida do Chính phủ Đan Mạch viện trợ ở Tủa Chùa đang được triển khai, thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp địa phương hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.