Xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc

Từ sau khi Việt Nam trúng thầu 450.000 tấn gạo (trong đợt đấu thầu ngày 17/9) cung ứng cho Philippines trong những tháng cuối năm nay và quý 1/2016, thị trường lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đang có những dấu hiệu tích cực hơn.
Trước hết, việc Việt Nam trúng thầu với giá 426,6 USD/tấn (bằng với giá mà phía Thái Lan đưa ra để trúng thầu 300.000 tấn), được coi là một cú hích cần thiết cho thị trường lúa gạo trong nước.
Bởi nếu trừ đi cước vận chuyển, phí bảo hiểm…, thì giá FOB ở Việt Nam cho lô hàng 450.000 tấn gạo đi Philippines nói trên sẽ vào khoảng 330 USD/tấn.
Nếu so với giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong những ngày cuối tháng 9, thì giá trúng thầu bán cho Philippines tốt hơn nhiều. Bởi giá FOB là 330 USD/tấn cho gạo 25% tấm, sẽ tương đương với giá gạo thành phẩm 25% tấm là 7.500 - 7.600 đồng/kg, trong khi giá gạo thành phẩm 25% tấm đang giao dịch ở ĐBSCL hiện chỉ ở mức 6.800 - 6.900 đồng/kg.
Đợt trúng thầu 450.000 tấn gạo 25% tấm đi Philippines và thông tin Việt Nam đang chuẩn bị tham gia đấu thầu hoặc ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, đang làm thị trường lúa gạo ở ĐBSCL ấm lên.
Theo ông Lê Thanh Danh, GĐ Chi nhánh Đầu tư và Phát triển vùng nguyên liệu (Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc), giá gạo hàng hóa đã tăng 100 đồng/kg.
Nhiều chủ kho ở ĐBSCL đang đẩy mạnh thu mua gạo hàng hóa, để sẵn sàng cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có phân bổ chỉ tiêu cụ thể trong việc đưa gạo sang Philippines vào tháng 11 và tháng 12.
Vì vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới, giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL sẽ còn tăng lên nữa, ít nhất là vài trăm đồng mỗi kg.
Thông tin từ một số doanh nghiệp khác cho thấy giá gạo xuất khẩu cũng đang có xu hướng được cải thiện.
Ngày 28/9, giá gạo 25% tấm của Việt Nam đã ở mức 320 - 330 USD/tấn (tăng 5 USD/tấn so với 1 tuần trước), gạo 5% tấm 335 - 345 USD/tấn (tăng 10 USD/tấn).
Không những thế, việc trúng thầu với giá tốt ở Philippines còn được nhiều doanh nghiệp coi là cơ hội tốt để tránh bị Trung Quốc ép giá mạnh trong thời gian tới.
Vì hiện nay, giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đang ở mức khá thấp. Một doanh nghiệp vừa ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chỉ được giá 320 USD/tấn với gạo 15%.
Việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam ban hành giá hướng dẫn mới với gạo xuất khẩu ngay sau khi trúng thầu xuất khẩu 450.000 tấn gạo sang Philippines, cũng sẽ có tác dụng giúp tạo mặt bằng giá mới cho gạo Việt Nam theo hướng tăng lên so với thời gian qua khi mà giá các loại gạo trắng xuất khẩu đều đã xuống rất thấp.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 25/9, giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo trắng 25% tấm là 340 USD/tấn (giá FOB), đóng bao 50kg. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định.
Không chỉ có cú hích từ kết quả đấu thầu bán gạo sang Philippines và khả năng sắp tới là Indonesia, giá gạo trong nước và xuất khẩu của Việt Nam vào cuối năm nay có thể còn được hỗ trợ bởi khả năng xuất khẩu cũng như nhu cầu trên thị trường thế giới.
Theo dự báo mới đây của FAO, lượng gạo xuất khẩu trong cả năm 2015 của 3 nước xuất khẩu lớn nhất là Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam sẽ giảm 6,2% so với năm 2014, và chỉ đạt 27,2 triệu tấn.
Nguyên nhân là do lượng mưa tại Ấn Độ thấp hơn mức bình quân các năm và hạn hán đã xảy ra tại 7/67 tỉnh của Thái Lan trong mùa mưa vừa qua.
Lượng gạo dự trữ của Thái Lan không chỉ đã giảm xuống mà chỉ có 60% trong số đó là còn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng gạo tiêu dùng.
Trong khi đó, lượng gạo dự trữ của nhiều nhà nhập khẩu hiện không còn nhiều. Bên cạnh đó, những lo ngại về El Nino tồi tệ hơn (bắt đầu từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016) cũng có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới.
Vì vậy, ngay sau khi công bố kết quả đợt đấu thầu ngày 17/9 vừa rồi, lãnh đạo
Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines đã cho rằng việc nước này sớm mở cuộc đấu thầu nhập khẩu là nhằm đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khí hậu do El Nino nhiều khả năng sẽ khiến cho giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên vào cuối năm nay.
Có thể bạn quan tâm

Nghe lời kể của mấy người vừa mọc tóc trở lại nhờ mấy chai tinh dầu bưởi của Tư Khanh (Đoàn Văn Khanh) đồng thời cho biết thêm ông này còn làm những sản phẩm khác rất “độc” từ trái bưởi, tôi quyết định tìm đến nhà Tư Khanh ở ấp Mỹ Thạnh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang, để rõ thực hư.

Những cán bộ làm công tác tư vấn về sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn GAP cần phải am hiểu những vấn đề về lĩnh vực này, là yêu cầu cao hơn những kiến thức chuyên môn về nông nghiệp thông thường.

Từ năm 2009, nông dân 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống măng tây xanh trên 6 ha đất giồng cát. Cây măng tây rất phù hợp với vùng đất trồng rau màu, đất tơi xốp và không ngập nước (như vùng đất giồng vành đai xanh thành phố). Sau 5 tháng là cây măng đã cho thu hoạch và cho thu hoạch quanh năm

Gần một tuần nay, giá heo hơi, gà thịt tại Đồng Nai liên tục giảm giá. Hiện giá heo hơi bán tại các trang trại chỉ còn 40 ngàn đồng/kg, những hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ bán được giá 37 - 38 ngàn đồng/kg. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi có heo bán ra phải chịu thua lỗ từ 500 - 700 ngàn đồng/tạ. Theo các chủ trang trại, giá heo hơi giảm sâu, đầu ra rất khó khăn vì người tiêu dùng vẫn còn ngại chất cấm tạo nạc chưa dám sử dụng nhiều thịt heo như trước. Ngoài giá heo hơi giảm, giá gà thịt bán tại các trại cũng giảm 3 - 4 ngàn đồng/kg. Giá gà thịt như hiện nay, chỉ những hộ chăn nuôi tốt tỷ lệ hao hụt đàn thấp mới có lời.

Phương Trang, một kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Nông Lâm TP HCM muốn học tiếp chuyên ngành về nấm, nhưng sau 3 tháng “tầm sư”, Trang lắc đầu: "VN không có trường nào đào tạo ngành nấm!".