Xuất Khẩu Trái Cây Những Khó Khăn Và Hướng Tháo Gỡ

Đã từ lâu rồi, vùng đất Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” của cả nước. Phù sa màu mỡ, thổ nhưỡng thích hợp đã phú cho miền đất này những vườn cây ăn trái sum sê. Tuy vậy, việc khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là việc xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn khiến cho một số loại trái cây đặc sản của tỉnh khó “xuất ngoại”.
Tiền Giang hiện có 70.000 ha cây ăn trái các loại, sản lượng mỗi năm trên 1,2 triệu tấn. Các loại cây trái đặc sản và có khả năng cạnh tranh như: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, vú sữa, khóm, thanh long, sơ ri, nhưng hầu hết các sản phẩm này còn khá nhọc nhằn trên con đường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) tâm sự: “Khi mới thành lập và sau đó là áp dụng quy trình GAP, chúng tôi luôn được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Sau đó, nhiều hợp đồng xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc được ký kết và sản phẩm đã được xuất sang Nhật với số lượng lên đến 100 tấn/năm.
Tuy vậy, với những hạn chế như: Giá cao, bảo quản không lâu, vận chuyển nhiều tốn kém, trái to, độ đồng đều chưa có và sản lượng không nhiều nên số lượng xuất khẩu giảm dần và đến nay chẳng còn bao nhiêu”.
Tương tự, HTX khóm Quyết Thắng, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước cũng được thành lập khá sớm. Ngay buổi đầu thành lập, HTX cũng muốn đưa trái khóm xuất khẩu đi nhiều nước.
Ông Bùi Công Thành, Giám đốc HTX khóm Quyết Thắng tâm sự: “Thành lập được HTX, rồi xây dựng được nhà đóng gói là công sức của rất nhiều anh em. Vậy mà chúng tôi chưa xuất được lô hàng nào đáng kể. Năm vừa qua, thông qua công ty xuất khẩu, chúng tôi bán được 30 tấn khóm đi các nước. Nhưng qua đến nơi thì bị thối quá nhiều, doanh nghiệp không ký hợp đồng nữa”.
Là một người tâm huyết với trái khóm Tân Phước, nhưng khi đề cập đến vấn đề xuất khẩu trái khóm, ông Thành buồn rười rượi: “Mặc dù các nhà chuyên môn luôn hỗ trợ chúng tôi trong việc bảo quản, nhưng thực tế trái khóm rất khó bảo quản trên 1 tháng. Bản thân tôi cũng như xã viên rất buồn, nhưng cũng chẳng biết làm sao”.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại (Sở Công thương) thì thị trường xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng vẫn chưa ổn định. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản còn chưa chủ động trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững và chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Các sản phẩm xuất khẩu còn chưa qua chế biến sâu, chủ yếu là đông lạnh, đóng hộp, chưa tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội giao thương, tìm kiếm khách hàng trong những đợt tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; chưa nắm rõ tầm quan trọng, lợi ích từ các hội chợ, triển lãm.
Thời gian tới, xuất khẩu trái cây sẽ còn gặp không ít khó khăn tại thị trường châu Âu do hàng rào phi thuế quan như:
Chất lượng an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Dự báo nhu cầu nhập khẩu trái cây tại thị trường châu Á còn tăng cao, nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, đây cũng là thị trường khó tính do có hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm trái cây.
Chính điều đó, Sở Công thương cho biết sẽ thu thập thông tin thị trường đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, cung cấp cho doanh nghiệp, HTX, nông dân và các tổ chức, cá nhân liên quan đến định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Thường xuyên cập nhật thông tin và tham gia các hội chợ, triển lãm về hàng nông sản, về trái cây tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt chú trọng đến các thị trường tiềm năng như: châu Âu, Mỹ, Canada…
Sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái có xu hướng tăng dần do nhu cầu lớn. Song hầu hết cung - cầu đã có thị trường ổn định, chất lượng cao, đặc biệt là rất khắc khe về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, tỉnh Tiền Giang muốn tham gia thị trường xuất khẩu trái cây thế giới là khá khó khăn vì kỹ thuật, công nghệ chế biến…có phần hạn chế, giá thành sản xuất cao, mức cạnh tranh thấp. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu trái cây phải đầu tư hơn nữa từ giống, kỹ thuật canh tác đến chế biến sản phẩm bằng công nghệ hiện đại…
Hiện nay, trái cây của tỉnh được xuất khẩu sang 48 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu trái cây ở châu Á chiếm 47,7% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh như: Hàn Quốc, Nhật, Singapore và thị trường châu Âu chiếm 44,3% như: Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan, Pháp… Riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm trái cây, gồm các mặt hàng như: Khóm cô đặc, trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp. Trong đó, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang chiếm 52,5%, Công ty TNHH MT chiếm 29,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh.
Ngoài xuất khẩu trực tiếp, các doanh nghiệp trong tỉnh còn xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng trái cây của Tiền Giang như: Thanh long, nhãn, khóm…
Có thể bạn quan tâm

Gần đây, nhiều nông dân Thuận Mỹ (Đại Phong), Bàu Tròn (Đại An), thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có thu nhập ổn định từ mô hình trồng bí hồ lô (giống bí đỏ lai F1 Plato 757, thương hiệu của Én Vàng).

Với giàn gấc mỗi lứa thu hoạch hơn 300 quả, giá thị trường 50.000 đ/kg, trái gấc đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình ông Lê Phước Dũng (đội 4 thôn Quảng Đại 2, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) thoát khỏi cảnh nghèo bấy lâu đeo bám.

Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).

Anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi), trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi mỗi tháng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi rắn.

Anh Nguyễn Đức Thịnh là hội viên nông dân chi hội thôn Bắc Song, xã Đông Hà huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đã nhiều năm liền, anh Thịnh được suy tôn là nông dân tiêu biểu của xã, của huyện, của tỉnh bởi thành tích gương mẫu đi đầu thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.