Xuất Khẩu Thủy Sản Sẽ Vượt Mốc 8 Tỷ USD

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2015, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng và cán đích trên 8 tỷ USD.
Nhìn lại 2014, VASEP cho biết năm qua Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản sang 166 thị trường, đạt giá trị 7,84 tỷ USD, tăng 16,5% so với 2013 và vượt 12% so với mục tiêu 7 tỷ USD đặt ra từ đầu năm.
Trừ mặt hàng cá ngừ (giảm 8%), cá tra tăng nhẹ 0,4%, còn lại xuất khẩu các sản phẩm chính khác đều tăng trưởng khả quan.
Trong đó tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất (27%) và chiếm tỷ trọng lớn nhất (50,4%) nhờ lượng sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu tăng, trong khi thị trường thế giới thiếu nguồn cung do dịch bệnh EMS.
Theo đó, xuất khẩu tôm đạt gần 3,95 tỷ USD, trong đó tôm chân trắng tiếp tục chiếm ưu thế 58,5%, đạt 2,3 tỷ USD, tăng 46%; tôm sú chiếm 35% đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng trên 4%.
Về mặt thị trường, xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh nhờ tận dụng được một số cơ hội thuận lợi. Tuy nhiên xuất khẩu chỉ tăng mạnh những tháng đầu năm, sau đó tăng trưởng chậm dần và giảm trong 2 tháng cuối năm do ảnh hưởng của thuế CBPG POR8, theo đó các DN tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay.
Đối với mặt hàng cá tra, xuất khẩu bắt đầu phục hồi từ tháng 6 và tăng dần trong quý III và quý IV, tuy nhiên chỉ phục hồi khả quan ở các thị trường nhỏ ASEAN, Mexicovà Trung Quốc, trong khi xuất sang 2 thị trường lớn nhất là EU và Mỹ giảm. Tuy nhiên, xuất sang Mỹ từ quý III đã bắt đầu tăng và giá trung bình xuất khẩu cũng tăng.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ tiếp tục xu hướng giảm của năm 2013 vì nhu cầu nhập khẩu thấp, yêu cầu của thị trường khắt khe hơn về chất lượng và các tiêu chuẩn bền vững như quy định IUU của EU, quy định về nhãn an toàn cá heo của thị trường Mỹ và tiêu chuẩn kỹ thuật và ATVSTP của thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác như cua ghẹ, surimi, cá biển đều tăng. Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản trong đó có việc tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng lĩnh vực khai thác và tạo thuận lợi về chính sách tín dụng cho ngư dân đóng tàu cá, chính sách bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế…đã tạo động lực đẩy mạnh hoạt động khai thác, tăng sản lượng và xuất khẩu.
Với mức tăng trưởng khá của các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc, cá biển và các hải sản khác, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2015 sẽ tiếp tục tăng và cán đích sẽ vượt mốc trên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, rào cản thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả năm tới.
Có thể bạn quan tâm

Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, giá cá lóc nuôi mua tại ao đã tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg trong vòng hai tuần qua và đang ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg tuỳ loại.

Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.

Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.

Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.