Xuất khẩu thủy sản giảm đừng đổi lỗi cho Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu, thủy sản tháng 8 cả nước ước đạt 554 triệu USD giảm 7,1% so với tháng 7/2015. Tổng 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 4,13 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Lý giải về tình hình xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2015 giảm, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nguyên nhân do thời tiết năm nay khắc nghiệt, thời vụ xuống giống tôm chậm 1,5 - 2 tháng dẫn đến thu hoạch tôm muộn.
Giá trị xuất khẩu từ tôm năm 2014 là 4 tỷ USD, do năm nay sản lượng tôm trắng giảm hơn 17% dẫn tới xuất khẩu thủy sản nói chung giảm.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, cho rằng, thời gian vừa qua, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ dẫn đến nhiều nước khác như Thái Lan, Malaisia cũng phá giá đồng tiền. Điều này khiến giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đắt đỏ hơn các nước khác dẫn đến đối tác nhập khẩu chuyển sang tìm bạn hàng khác.
“Dù ngân hàng đã nới biên độ tỷ giá nhưng nhiều nước còn phá giá mạnh hơn nên ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Hy vọng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới từ tháng 10 sẽ tăng cao, nhất là dịp giáng sinh nên hy vọng sẽ có kim ngạch xuất khẩu gia tăng”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam” diễn ra sáng ngày 16/9, ông Nguyễn Hữu Dũng, khẳng định đổi xuất khẩu thủy sản sụt giảm do Trung Quốc là không đúng.
Theo ông Dũng, xuất khẩu thủy sản giảm trên mọi mặt hàng chính bao gồm tôm, cá tra và cá ngừ. Tại các thị trường chính Mỹ, Nhật Bản và EU, lượng xuất khẩu đều sụt giảm, rất ít thị trường tăng như Mexico tăng 64%.
“Trung Quốc biến động một thì Việt Nam hậu quả mười. Tuy nhiên, biến động Trung Quốc không phải lý do để thủy sản giảm. Nhiều mặt hàng khác cũng thế. Về phân tích nguyên nhân suy giảm thủy sản cực kỳ lớn nhưng giảm như năm nay thì chưa có tiền lệ”, ông Dũng khẳng định.
Bàn về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, ông Dũng cho hay cần phải có giải pháp đồng bộ. Hiện nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang 164 nước, cần phải có những nhóm sản phẩm đột phá, cạnh tranh cao mới có khả năng cải thiện được tình hình hiện tại.
“Tôi kiến nghị đẩy mạnh nuôi cá biển. Nếu có được 1 triệu tấn cá biển nuôi bằng công nghệ thì trong vòng 5 năm từ giờ đến 2020 sẽ đạt giá trị 5 tỷ USD. Ước tính sản phẩm cá biển qua chế biến có thể lên 7-9 tỷ USD. Với con số này thì hoàn toàn có thể giải quyết được tình trạng xuất khẩu u ám hiện tại”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, theo ông Dũng phải tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thực tế, thu nhập và lợi nhuận của người tham gia vào sản xuất là yếu tố then chốt, không phải bán nhiều hàng giá cao là được.
"Hai yếu tố trên là giải pháp chính chứ tôi không tin vào năng lực, hệ thống xúc tiến thương mại của Nhà nước. Hiện nay, một năm xúc tiến thương mại chỉ có 5 triệu USD, như vậy là quá ít. Phương thức xúc tiến thương mại cần thiết nhưng phải do doanh nghiệp làm trên cơ sở có năng lực, có thế cạnh tranh thì mới xúc tiến được với bạn hàng", ông Dũng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm

Ông Hồ Văn Du - Trưởng trạm Dược liệu Trà Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My) cho biết, vừa qua hàng nghìn cây sâm giống của trạm bị héo lá, vàng úa, chết khô không rõ nguyên nhân. Đây đa số là sâm giống được gieo từ hạt trong năm 2013.

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.

Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.

Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.

Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.