Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất khẩu thủy sản chưa qua cơn bĩ cực

Xuất khẩu thủy sản chưa qua cơn bĩ cực
Ngày đăng: 24/08/2015

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp không ít khó khăn trong hai quí đầu năm nay. Những cơ hội từ việc ký kết các hiệp định thượng mại tự do (FTA), vì nhiều lý do, trong một số trường hợp có thể không hoàn toàn mang lại lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu như kỳ vọng ban đầu.

Thực trạng ngành khó khăn

Trong cơ cấu tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm, sự suy giảm trong tốc độ tăng của ngành nông lâm thủy sản là rất đáng chú ý (chỉ tăng 2,36% trong khi cùng kỳ năm 2014 tăng 2,96%). Đáng lo ngại hơn khi ngành này ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận lớn bà con nông dân, kéo theo đó là rất nhiều vấn đề an sinh xã hội. Cụ thể như lĩnh vực thủy sản, sự khó khăn của hoạt động xuất khẩu trong hai quí vừa qua là khá rõ nét, đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh (KQKD) của các doanh nghiệp cũng như đời sống ngư dân.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng nuôi trồng và khai thác cá trong nửa đầu năm 2015 chỉ tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng tôm giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trái ngược với diễn biến đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản lại cho thấy sự lao dốc rất mạnh, chỉ đạt 3 tỉ đô la Mỹ, giảm 15% (tương đương 537 triệu đô la Mỹ).

Xuất khẩu sang một số thị trường chính đều giảm mạnh như kim ngạch xuất sang Mỹ chỉ đạt 579 triệu đô la Mỹ, giảm 27,7%; sang EU đạt 547 triệu đô la Mỹ, giảm 14%; sang Nhật Bản đạt 457 triệu đô la Mỹ, giảm 10,4%. Đối với mặt hàng cá, sự lên giá của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền chủ chốt khác đã gián tiếp khiến đồng Việt Nam mạnh lên so với các đồng tiền này, gây tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bán để giữ chân khách hàng. 

Diễn biến tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với euro và yen Nhật còn rất khó lường trong bối cảnh Fed vẫn chưa chính thức tăng lãi suất sẽ tiếp tục là rủi ro đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong sáu tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đã giảm 29%, trong khi giá trị xuất khẩu cá tra giảm 10% so với cùng kỳ; giá bán tại các thị trường cũng giảm từ 7-10% đối với tôm và 2-3% đối với cá. Riêng mặt hàng tôm, ngoài lý do tỷ giá thì xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh còn do nguồn cung thế giới vượt hơn 4% so với cầu với sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia... Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là Minh Phú chịu ảnh hưởng nặng nề từ diễn biến trên khi kim ngạch xuất khẩu hai quí đầu năm giảm tới 40%, chỉ còn xấp xỉ 58 triệu đô la Mỹ. Các doanh nghiệp khác có mức giảm từ 25-40%.    

Phân hóa trong KQKD quí 2

Trong quí 2-2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước tính tăng 22% so với quí 1 nhưng vẫn thấp hơn 14% so với cùng kỳ. Hai doanh nghiệp lớn trong ngành là Thủy sản Minh Phú và Hùng Vương chưa công bố KQKD quí 2 tuy nhiên với các doanh nghiệp còn lại, sự phân hóa diễn ra khá sâu và rõ nét. Sự phân hóa này xuất phát từ nhiều yếu tố như sự khác nhau trong cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ lực, giá mua nguyên liệu đầu vào...

Một số doanh nghiệp có kết quả sụt giảm so với cùng kỳ là Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (mã AGF) có doanh thu quí 2 đạt 553,8 tỉ đồng, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận gộp đạt 64 tỉ đồng giảm gần 23%; Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã ABT) doanh thu thuần quí 2 đạt 114 tỉ đồng giảm 6,76%, lợi nhuận gộp đạt hơn 28 tỉ đồng, giảm nhẹ 2,56%.

Trong khi đó, vẫn có những doanh nghiệp đạt KQKD khá khả quan như Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) có doanh thu và lợi nhuận gộp quí 2 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế sáu tháng lợi nhuận sau thuế của FMC tăng 21% hay Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL) doanh thu thuần đạt 319,4 tỉ đồng tăng tới 52% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do tỷ trọng giá vốn hàng bán trong doanh thu thuần tăng cao nên lợi nhuận gộp chỉ tăng thêm 17,5%, đạt hơn 43 tỉ đồng. Một công ty khác là Vĩnh Hoàn (mã VHC) tuy chưa chính thức công bố KQKD quí 2 nhưng theo tin mới nhất từ công ty thì bảy tháng đầu năm VHC đã xuất khẩu gần 144 triệu đô la Mỹ, hoàn thành 60% kế hoạch năm. Trong nửa đầu năm 2015, Vĩnh Hoàn là nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam với giá trị xuất khẩu lên tới 114 triệu đô la Mỹ, chiếm 15% thị phần.

Phía trước vẫn còn đầy khó khăn

Sẽ không bất ngờ khi xuất khẩu thủy sản sáu tháng cuối năm tiếp tục gặp khó khăn. Diễn biến tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với euro và yen còn rất khó lường trong bối cảnh FED vẫn chưa chính thức tăng lãi suất sẽ tiếp tục là rủi ro đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ từ đầu năm đến nay đã tăng thêm 2% và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ không có thêm đợt điều chỉnh nào nữa. Do vậy, doanh nghiệp khó có thể trông đợi thêm sự hưởng lợi nào từ tỷ giá, chưa kể kịch bản tiêu cực đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên, kéo theo tiền đồng lên giá sẽ lại gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam.

Một nhân tố khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào tiềm năng ngành thủy sản Việt Nam là những cơ hội do các hiệp định FTA mang lại. Tuy nhiên, câu chuyện mới đây được truyền thông phản ánh cho thấy một góc nhìn khác: đó là Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào EU nhưng mới chỉ có 27 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào Nga (một thị trường được đánh giá là dễ tính hơn).

Những khoản tiêu cực phí để có được quyền nhập khẩu vào Nga đã gây trở ngại cho không ít doanh nghiệp như Thủy sản Cần Thơ, Thủy sản Nam Việt... Do vậy, những ưu đãi thuế quan nhờ FTA mà Việt Nam ký kết với Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan) đã không thể tận dụng được trọn vẹn. Tới đây, khi các điều khoản chính thức trong FTA với Hàn Quốc, EU và xa hơn nữa có thể là TPP có hiệu lực, liệu những hàng rào phi thuế quan có cản trở hàng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam giống như câu chuyện của thị trường Nga hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ!


Có thể bạn quan tâm

Ngành Chăn Nuôi Thua Trên Sân Nhà Ngành Chăn Nuôi Thua Trên Sân Nhà

Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.

21/01/2014
Bắc Ninh Công Bố Dịch Cúm Gia Cầm Bắc Ninh Công Bố Dịch Cúm Gia Cầm

Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.

21/01/2014
Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.

21/01/2014
Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm

Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.

21/01/2014
Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai

Tỉnh từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã cho thành lập 11 khu bảo vệ thủy sản, với tổng diện tích gần 350, chiếm khoảng 1,5% diện tích đầm phá. Nền tảng để duy trì các khu bảo vệ thủy sản này chủ yếu dựa vào cộng đồng, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và hưởng lợi của người dân.

22/01/2014