Xuất Khẩu Khoai Mì Nghịch Lý Tỷ USD

Cây khoai mì (sắn) hiện là cây công nghiệp chủ lực và thu cả tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ tập trung vào thương lái, người nông dân trồng khoai vẫn nghèo.
Tại các tỉnh miền Nam khoai mì đang vào cuối vụ thu hoạch, giá đã nhích lên 4.300 đồng/kg, cao đầu vụ (tháng 1 âm lịch) 300-500 đồng/kg. Tại Đồng Nai, khoai mì lên giá nhưng nông dân không vui vì đã bán hết khoai với giá thấp khi vừa thu hoạch.
Ông Trần Văn Tuấn - nông dân chuyên canh 3 hecta khoai mì (xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) - cho biết, khoai mì hiện đã có giá nhưng dịp trước tết thương lái hùn nhau ép giá thấp, thậm chí không mua khiến khoai thu hoạch chất đống. “Nông dân chỉ biết trồng rồi bán, chuyện giá cả và thị trường đều do thương lái làm chủ hết” - ông Tuấn bức xúc.
Tây Ninh có diện tích cây mì khoảng 45.500 hecta, sản lượng 1.317.671 tấn song những người trồng khoai vẫn nghèo. Theo bà Trần Thị Mây, chủ vựa thu mua khoai mì (thị trấn Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh), ở miền Nam hiện có dăm thương lái lớn nhưng lại thao túng thị trường khoai mì từ giá thu mua và kiêm luôn xuất khẩu. Bà Mây nói, mặc dù mình là bạn hàng lâu năm nhưng nhiều vụ khoai mốc đầy kho vì thương lái nại ý xuất khẩu khó không mua để ép giá thêm.
Việt Nam xuất khẩu khoai mì nhiều thứ hai thế giới sau Thái Lan, thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippin và Đài Loan, trong đó Trung Quốc nhập khẩu tới 85,6% tổng sản lượng khoai mì của Việt Nam xuất khẩu. Năm 2012, Việt Nam xuất hơn 4,2 triệu tấn khoai mì và sản phẩm từ khoai mì, thu 1,35 tỷ USD, tăng hơn 57% về lượng và gần 41% về giá trị so với năm 2011. Năm 2013, xuất hơn 3,1 triệu, thu hơn 1,1 tỷ USD, giảm 25,7% về lượng và 18,6% về giá,
Trong vài năm trở lại đây, thị trường khoai mì ở miền Nam luôn biến động mạnh, do thị trường Trung Quốc giảm mua và thương lái ép giá người trồng khoai.
Theo Hiệp hội Sắn (khoai mì) Việt Nam, năm 2013, kim ngạch khoai mì xuất khẩu sang Trung Quốc 946,4 triệu USD. 2 tháng đầu năm nay, lượng khoai mì Việt Nam xuất khẩu đạt 652.000 tấn, thu 206 triệu USD, giảm 32,7% về lượng và 30,6% về giá. Mặt khác, do nguồn cung khoai mì từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ rất lớn dẫn đến cạnh tranh về giá, làm cho khoai mì Việt Nam mất giá.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, người trồng và chế biến khoai mì hiện đang đối mặt với những khó khăn như giá cả bấp bênh; mùa vụ thu hoạch ồ ạt; chưa có chính sách hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các nhà máy hợp lý và thị trường tiêu thụ khoai mì còn hạn chế, bị thương lái, nhà máy ép giá.
Ngoài lượng khoai mì canh tác trong nước, hàng năm Việt Nam còn nhập khẩu hàng triệu tấn khoai mì lát và củ tươi từ Campuchia để làm nguyên liệu và xuất khẩu đi Trung Quốc. Người trồng khoai mì trong nước không chỉ cạnh tranh với khoai mì ngoại về sản lượng mà còn về giá khi thuế nhập khẩu khoai mì lát và củ tươi giảm mạnh từ 10% xuống 3% kể từ 25/3/2014, dẫn đến giá khoai mì trong nước sẽ hạ thấp.
Để hạn chế tình trạng tư thương ép giá và sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Sắn Việt Nam đang tập trung mở rộng thị trường sang châu Âu, Hoa Kỳ, mặt khác kêu gọi các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc và 6 nhà máy sản xuất ethanol trong nước gia tăng sử dụng khoai mì làm nguyên liệu. Tuy nhiên sự kết hợp này đang diễn ra rất chậm chạp và kém hiệu quả.
Việt Nam hiện có hơn 560.000 hecta đất trồng khoai mì, sản lượng khoảng 9,4 triệu tấn/năm, 30% được dùng làm thực phẩm, thức ăn gia súc, dược phẩm, sản xuất ethanol, rượu công nghiệp, 70% xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu thống kê năm 2012, diện tích trồng ngô tại các tỉnh Tây Bắc đạt 278.800ha, chiếm tới 25% diện tích trồng ngô của cả nước. Tuy nhiên, năng suất ngô ở vùng này cũng chỉ đạt 3,2 tấn/ha, thấp hơn hẳn so với năng suất bình quân cả nước.

Gần 3 năm qua nghề câu mực khơi xa ở xã Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) liên tiếp bị mất mùa, mất giá khiến nhiều ngư dân phải chuyển đổi sang nghề lưới vây. Thế nhưng mùa biển năm nay ngư dân trúng đậm mùa mực, giá thu mua lại tăng lên 30% nên bà con ngư dân rất phấn khởi.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra và tăng cường vận động, tuyên truyền, kiên quyết không được thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn; đồng thời, có hướng khắc phục ảnh hưởng môi trường gây ra (nếu có).

Đó vợ chồng anh chị Văn Khỏe mà chúng tôi muốn nói đến trong câu chuyện dưới đây, khi họ đã góp phần làm sống lại cả vùng đất nuôi trồng thủy sản Tân Thành- Đồ Sơn sau nhiều năm kiên trì đeo bám công nghệ nuôi tôm công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong 02 kỳ họp trực tuyến liền kề với các sở, ngành tỉnh Trà Vinh và UBND các huyện, thành phố do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và tháng 5/2014, bàn giải pháp những tháng cuối năm… lãnh đạo UBND tỉnh đều nhấn mạnh đến nội dung: Các sở, ngành tỉnh cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch cúm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC); kiên quyết không để tái phát dịch.