Xuất Khẩu Hạt Tiêu Chú Trọng Chất Lượng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2015, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.
14 năm “ngôi vương”
Năm 2014, hạt tiêu được dự báo sẽ gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD”. Không phải chờ đến cuối năm, chỉ sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã cán mốc 1,1 tỷ USD. Đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đã về đích ngoạn mục với trên 1,2 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2015, khối lượng tiêu xuất khẩu ước đạt 9 nghìn tấn, với giá trị ước đạt 49 triệu USD.
Cùng với gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu Việt Nam được xếp vào nhóm các mặt hàng có vị thế cao trên thị trường thế giới. Tại Hội nghị Hồ tiêu quốc tế (IPC) lần thứ 42 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA - cho biết, vị thế hạt tiêu Việt Nam đã được khẳng định bằng việc giữ vững kỷ lục sản xuất và xuất khẩu trong 14 năm liền. Là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, hiện nay, hạt tiêu Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia.
Về thị trường, Hoa Kỳ, Singapore, UAE, Ấn Độ, Hà Lan là 5 thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam, chiếm đến 50% tổng xuất khẩu của mặt hàng này. Hạt tiêu Việt Nam, đặc biệt là hạt tiêu đen đang ngày càng “được lòng” hầu hết các thị trường. Hiện nay, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng và khoảng 50% khối lượng tiêu xuất khẩu trên thế giới.
Giữa lúc nhiều loại hàng hóa trên toàn cầu đồng loạt rớt giá, người trồng tiêu của Việt Nam phấn khởi vì được giá. Mức giá trung bình của hạt tiêu năm 2014 đạt trên 7.600 USD/tấn, tăng 14,76% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch tăng, giá tăng không những giúp đời sống của người dân trồng tiêu được bảo đảm mà còn giúp khẳng định vị thế hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Chú trọng nâng cao chất lượng
Mặc dù đã đạt được thành tích lớn trong thời gian qua nhưng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là công nghệ chế biến hạt tiêu xuất khẩu. Hiện nay, cả nước mới chỉ có 13 nhà máy chế biến tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, chủng loại bao bì đóng gói đa dạng, thỏa mãn nhu cầu của các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, còn lại chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu chưa xay.
Bên cạnh đó, giá hạt tiêu tăng cao khiến nhiều người dân tập trung phát triển diện tích cây trồng, dễ dẫn đến nguồn cung tăng vượt quá cầu, khó kiểm soát và xử lý mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Các DN xuất khẩu đang thu mua khoảng 80% tổng khối lượng hồ tiêu qua thương lái, rất khó kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm.
Theo VPA, thời gian tới, ngành tiêu chủ trương không tăng số lượng mà củng cố nâng cao chất lượng, khuyến khích các DN đầu tư cho chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu. Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, việc tập trung xây dựng các DN mạnh để dẫn dắt thị trường là chiến lược cần thiết nhằm đưa ngành hạt tiêu Việt Nam phát triển bền vững.
Để giữ vững chất lượng hạt tiêu, hiện nay, một số địa phương xuất hiện mô hình vườn tiêu liên kết theo quy trình an toàn, thay thế dần canh tác tập quán cũ, chất lượng thấp, dịch bệnh. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên lạm dụng phân bón, thuốc hóa học để chăm sóc mà nên phát triển theo hướng sinh học VietGap để hạt tiêu có được thương hiệu uy tín.
Có thể bạn quan tâm

Bình quân nuôi 1 con bò cho sữa, mỗi tháng cho thu nhập từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất đáng kể đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy mà các địa phương được đầu tư nuôi bò sữa đã xác định đây là vật nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…

VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…

“Định vị hướng tới Lợi nhuận” là chủ đề của Hội nghị NTTS Châu Á - Thái Bình Dương và Triển lãm Thương mại (APA-2013) được tổ chức từ ngày 10 - 13/12/2013 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).

Tổ chăn nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp một số hội viên và nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.