Xuất Khẩu Gạo Bị Thái Giành Giật Thị Trường

Đó là thông tin tại buổi họp sơ kết xuất khẩu gạo tháng 4 và kế hoạch xuất khẩu gạo tháng 5, do Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa tổ chức tại TP HCM.
Xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam tháng 4 được 536.806 tấn, trị giá 236,815 triệu USD, giá bình quân 441,16 USD/tấn. So với tháng 3, lượng giảm 7,32%, trị giá giảm 6,98%. Lũy kế XK 4 tháng đầu năm được 1,751 triệu tấn, trị giá 764,981 triệu USD, giá bình quân 436,76 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng giảm 18,17%, trị giá giảm 18,49%, giá bình quân giảm 1,71 USD/tấn.
Cứu cánh 800.000 tấn từ Philipines
Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), XK tháng 4 không đạt kế hoạch đề ra là 700.000 tấn và thấp hơn cả tháng 3, mặc dù đây là tháng XK trọng điểm qua các năm với nguồn cung cấp dồi dào từ thu hoạch vụ đông xuân.
Nguyên nhân do giao hàng đến các thị trường đều sút giảm mạnh, nhất là châu Phi. Thị trường XK trong tháng 4 chủ yếu là Trung Quốc, chiếm 60%, còn lại là các thị trường khác.
Giá gạo XK giao dịch trong tháng 4 tăng nhẹ so với tháng 3, dao động từ 385-395 USD/tấn loại 5% tấm. Giá lúa gạo trong nước ổn định trong tháng 4 do thực hiện kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và giá có tăng nhẹ sau khi có tin trúng thầu 800.000 tấn gạo bán cho Philippines.
Giá lúa khô tại ruộng loại hạt dài giá từ 5.100-5.550 đồng/kg, lúa thường từ 4.750-5.350 đồng/kg. Còn giá lúa thu mua tại kho các doanh nghiệp từ 5.100-5.850 đồng/kg, tùy loại.
Việt Nam chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh của Thái Lan, nhất là đối với các loại gạo trắng cùng loại và cả loại gạo đồ. Các thị trường truyền thống châu Phi của Việt Nam trong thời gian qua đang sút giảm mạnh do mất thị phần với gạo Thái Lan. Malaysia cũng đã mua hầu hết gạo Thái Lan cho nhu cầu năm 2014, trong khi Indonesia chưa có nhu cầu nhập khẩu.
Việt Nam chỉ còn thị trường Philippines với số lượng trúng thầu 800.000 tấn vừa qua, mặc dù chỉ giao hàng 200.000 tấn/tháng đã góp phần tiêu thụ lúa gạo trong nước và giảm bớt áp lực ép giá từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường này cũng đang bị áp lực cạnh tranh lớn từ Thái Lan do nước này đang thúc đẩy thương mại gạo chính phủ với Philippines để giải quyết tồn kho.
Tồn kho lớn
Xu hướng giá thị trường thế giới vẫn tiếp tục giảm do cung thừa và cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp chính ở châu Á. Thái Lan đang tìm mọi cách XK để lấy tiền trả nợ nông dân và giảm bớt gạo tồn kho quá lớn đang bị xuống cấp. Tồn kho của chính phủ nước này hiện khoảng 14-17 triệu tấn, chưa tính sản lượng thu hoạch mới của nông dân. Với lượng tồn kho và mức giá thấp, Thái Lan sẽ tìm mọi cách để XK và họ sẽ vượt qua cả Ấn Độ.
Ấn Độ là nước XK gạo hàng đầu trong 2 năm qua với thị trường đặc thù gạo basmati tăng mạnh và lợi thế cạnh tranh đối với gạo đồ và gạo tấm tại thị trường lớn nhất là châu Phi. Nhưng hiện nay, gạo Thái Lan đang khôi phục và chiếm lĩnh thị trường châu Phi với giá thấp hơn nên thị phần gạo Ấn Độ đang sút giảm dần. Tồn kho gạo của Ấn Độ khoảng 20 triệu tấn.
Pakistan XK đang ở mức thấp nhất vào đầu năm này, mặc dù giá ổn định do nhu cầu tăng từ Sri Lanka nhưng dự báo giá sẽ giảm do mức tồn kho cao, áp lực các nhà xay xát phải giải quyết trước khi vụ mới thu hoạch.
Về mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân năm 2013-2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phân giao chỉ tiêu cho 130 thương nhân XK gạo mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Từ ngày 15-3 đến hết 30-4, các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được 995.494 tấn gạo, đạt 99,55% kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo mới nhất của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Châu Thành (Đồng Tháp), hiện toàn huyện có trên 3.600ha nhãn. Trong đó, diện tích vườn nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng là trên 2.269ha, diện tích bị nhiễm nặng trên 70% là 1.028ha; tỉ lệ bị nhiễm từ 30 - 70% là 225ha; tỉ lệ bị nhiễm dưới 30% là 1.016,5ha.

Những ngày đầu tháng 7 khi lượng vải chính vụ ở các xã vùng thấp thuộc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cơ bản đã hết thì tại xã vùng cao Tân Sơn lại tấp nập người mua, bán. Dọc hai bên đường của thị trấn Tân Sơn, mặc cho cái nắng hè oi bức, dòng người cùng những thùng, sọt chất đầy vải chín đổ về các điểm thu mua.

Nhờ khí hậu thuận lợi, mát mẻ, nông dân trên đỉnh Núi Cấm, huyện Tịnh Biên (An Giang) đã biết tận dụng lợi thế này để cải tại vườn tạp, trồng xen canh trái cây các loại để có nguồn thu nhập quanh năm. Thời điểm này một số nông dân nơi đây đang vào mùa thu hoạch sầu riêng, bơ mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Theo UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai), toàn huyện hiện có 341 trang trại chăn nuôi. Trong đó, có 270 trang trại đang áp dụng quy trình chăn nuôi công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học và 4 trang trại được công nhận đạt chuẩn VietGAP, chiếm hơn 93% chăn nuôi trên địa bàn.

Báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm tháng đầunăm 2015, cả nước đã nhập khẩu 2.032 tấn thịt heo, kim ngạch đạt gần 4triệu USD (tăng gần 47% về lượng và 60% về giá trị so với cùng kỳ năm2014).